Thay đổi kế hoạch vì kinh phí
Lễ hội mùa thu Festival Huế 2023 có 6 chương trình, hoạt động, lễ hội chính diễn ra vào tháng 7/2023, trong đó lễ hội áo dài do Trung tâm Festival Huế làm đơn vị chủ trì là một chương trình rất được chờ đợi. Tuy nhiên, mới đây, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, chương trình này phải dời lại do vấn đề kinh phí. “Chương trình này thực hiện dựa vào nguồn lực xã hội hóa, nhưng đến nay vẫn đang chờ nguồn kinh phí. Trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn, làm sao để chương trình diễn ra đúng kế hoạch ban đầu cũng là bài toán đầy trăn trở”, ông Đạt nhấn mạnh.
Kế hoạch lễ hội mùa thu – Festival Huế 2023 ban đầu có khoảng 18 chương trình, hoạt động chính và 23 hoạt động hưởng ứng, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9. Song, ngoài lễ hội áo dài, một số chương trình khác cũng buộc phải hoãn, điều chỉnh thời gian, thậm chí dời lại năm sau với nguyên nhân từ vấn đề kinh phí.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động lễ hội mùa thu – Festival Huế 2023, có 8 chương trình trọng tâm do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, hoặc phối hợp tổ chức, gồm: Lễ Tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (đã thực hiện); triển lãm mỹ thuật quốc tế (4 – 5/8); lễ kỷ niệm 100 năm Mussé Khải Định (ngày 24/8) tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; lễ hội Điện Huệ Nam (23/8); festival nhiếp ảnh quốc tế (9 – 14/9); ngày hội Manga palace (tranh hoạt hình Nhật Bản) từ 9 – 10/9; lễ hội đèn lồng và quảng diễn lung linh sắc Huế (ngày 28/9); Tuồng Huế – Ngàn xưa âm vọng (26/9), rước và quảng diễn tuồng cung đình Huế tại Thanh Bình Từ Đường và Ngọ Môn. Bên cạnh đó, có chương trình như triển lãm Không gian Gốm mỹ thuật Bát Tràng (14/7) không thực hiện được, vì đây là chương trình xã hội hóa nhưng các nghệ nhân Bát Tràng chưa tìm được nguồn lực. Một số chương trình do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cũng bị điều chỉnh tổ chức sang năm vì đôi tác không có kinh phí.
Nghiên cứu kỹ khi xây dựng các chương trình
Qua các kỳ Festival Huế, rõ ràng, để có được thành công, phải có sự đồng hành hỗ trợ kinh phí tổ chức từ các nhà tài trợ. Nhiều chương trình, hoạt động đã được xã hội hóa, làm tăng sự sôi động, đa dạng cho Festival Huế. Cách làm này mang lại rất nhiều hiệu quả, nhưng vẫn để lại những trăn trở về nỗi lo nguồn lực khi các đơn vị tài trợ, doanh nghiệp gặp khó.
Còn nhớ năm 2018, tình hình ngân hàng giảm tài trợ, Festival Huế 2018 gặp khó về kinh phí đã được báo chí đề cập. Thời điểm đó, ban tổ chức Festival Huế cho biết, kinh phí để tổ chức Festival Huế nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không còn lo hoàn toàn như trước đây. Vì vậy, kinh phí để tổ chức Festival phải dựa vào sự tài trợ của các doanh nghiệp. Festival Huế 2018 gặp khó khăn về tài chính vì các ngân hàng tài trợ mức thấp hơn so với các kỳ Festival Huế trước đây, và nguyên nhân là do các ngân hàng đang siết chi.
Mới đây (tháng 6/2023), câu chuyện ban tổ chức chương trình Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế 2023 dù đã kết thúc hơn 1 tháng, nhưng vẫn chưa thanh toán kinh phí cho các cộng tác viên khiến dư luận râm ran. Trả lời Báo Thừa Thiên Huế thời điểm đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Hexa (đơn vị tổ chức) cho biết, đây là chương trình xã hội hóa toàn bộ, phía công ty đã hết sức cố gắng cho tất cả các khâu, song, vì tình hình kinh tế khó khăn, phía nhà tài trợ chưa hoàn tất các thủ tục chuyển kinh phí tài trợ.
Thực tế từ các chương trình, hoạt động đang để lại nhiều nỗi lo, khi các đơn vị tổ chức dễ rơi vào tình trạng bị động vì phụ thuộc kinh phí tài trợ, xã hội hoá. Trái lại, khi kế hoạch chương trình, hoạt động được công bố, người dân và du khách lại rất đón chờ.
Từ năm 2022, cùng với việc huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, một điểm rất nổi bật trong công tác xã hội hóa của ban tổ chức Festival Huế là huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức các chương trình, hoạt động. Theo ban tổ chức, đó cũng là hướng đi lâu dài trong công tác xã hội hóa lễ hội để làm phong phú hơn các chương trình.
Tuy nhiên, để phát huy tính hiệu quả, đảm bảo được kế hoạch, từ các khâu ban đầu đến ký kết với đơn vị tài trợ, huy động các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức các chương trình thì cũng cần nghiên cứu kỹ để xây dựng các chương trình, tính toán các vấn đề phát sinh nhằm hạn chế vấn đề chương trình bị hoãn, dời lại, hoặc không thể tổ chức.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu cách tiếp cận mới trong công tác tổ chức, công tác xã hội hóa để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cần có một ban vận động xã hội hóa với cách làm chuyên nghiệp, gắn kết được các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Qua đó, vừa đảm bảo được kế hoạch chương trình nhưng giảm bớt áp lực cho ngân sách; tạo tính chuyên nghiệp, xây dựng và tạo nguồn kinh phí ổn định, chủ động trong công tác tổ chức.