Tại hội thảo bàn về sự hài lòng của khách khi trải nghiệm du lịch Việt Nam diễn ra mới đây, theo ý kiến từ giới chuyên môn và các đơn vị kinh doanh, vấn đề nhà vệ sinh chính là nỗi đau đầu của những người làm du lịch trong khu vực, nhất là ở nước ta từ nhiều năm qua.
Mới nghe qua tưởng là chuyện nhỏ, nhưng thực ra không phải vậy. Chỉ cần nhìn vào việc xét trao Giải thưởng Du lịch ASEAN hằng năm thì sẽ thấy điều này khi hội đồng xét chọn đã rất khó khăn để tìm ra ứng cử viên của giải “Nhà vệ sinh công cộng ASEAN”, trong khi ở các hạng mục còn lại, hồ sơ dự giải của các đơn vị luôn dày cộp.
Năm 2023, cả nước ta chỉ có đúng ba nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn được trao Giải thưởng Du lịch ASEAN… Câu chuyện này phản ánh đúng thực tế, bởi việc thiếu vắng những nhà vệ sinh đạt chuẩn ở các điểm du lịch, không gian công cộng tại Việt Nam là thực trạng không thể phủ nhận.
Không đâu xa, ngay tại hai trung tâm du lịch lớn và hiện đại bậc nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy tình trạng thiếu, quá tải, xuống cấp các nhà vệ sinh công cộng. Đầu năm 2023, qua kết quả khảo sát tại 69 trung tâm du lịch trên thế giới của QS Supplies (công ty bán thiết bị nhà vệ sinh có trụ sở tại Anh) được công bố, hai đô thị đông dân nhất nước ta đã bị gọi tên trong danh sách những điểm đến du lịch có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh tồi tệ nhất.
Cụ thể, Hà Nội xếp thứ 66/69 và Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 67/69, chỉ cao hơn hai thành phố Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập). Đi trên các tuyến phố, nhà ga, bến xe, công viên,… tìm mỏi mắt mới thấy nhà vệ sinh công cộng, một số nơi nếu có thì cũng khá mất vệ sinh, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Phổ biến tại nhiều nơi là tình trạng nhà vệ sinh không được duy tu, bảo dưỡng hay vệ sinh thường xuyên dẫn đến nhiều thứ hỏng hóc, bẩn thỉu. Thế nên hệ quả tất yếu là một số gốc cây, cột điện, con hẻm… bỗng chốc trở thành những “điểm đen xả thải”. Ở những thành phố lớn đã thế, ở các địa phương đang phát triển du lịch, tình trạng đương nhiên cũng không thể tốt hơn.
Đáng nói, không chỉ không gian công cộng, mà ngay cả những điểm du lịch nổi tiếng của nước ta cũng thiếu hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn. Không ít nơi dồn sự đầu tư lớn cho tiểu cảnh, điểm check-in, phương tiện vận chuyển khách…, nhưng lại “bỏ quên” nhu cầu rất thiết yếu là nhà vệ sinh.
Nhiều khu du lịch rộng, thu hút lượng lớn du khách tới tham quan, song nhà vệ sinh chật chội, nhỏ hẹp, thiếu giấy, rò rỉ nước, thậm chí mất nước, chưa kể còn nhếch nhác, hôi hám, hoặc mất hẳn chức năng sử dụng. Khảo sát gần đây của nhóm chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, dựa trên ghi nhận từ các doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cho thấy, có tới 55% số du khách phản hồi hệ thống thu gom rác thải và nhà vệ sinh ở các khu di sản văn hóa thế giới chưa tốt. Hạng mục nhà vệ sinh dành cho khách du lịch nhìn chung vẫn còn nằm phía dưới của danh sách ưu tiên.
Sản phẩm du lịch là sự xâu chuỗi, kết nối của nhiều dịch vụ, mắt xích khác nhau nhằm mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách. Vì thế, chỉ cần một mắt xích có vấn đề, toàn bộ chuỗi giá trị sẽ bị ảnh hưởng. Cảnh quan đẹp đến mấy, đồ ăn ngon đến mấy, tiếp đón chuyên nghiệp đến mấy… cũng sẽ bị mất điểm nếu việc giải quyết “nhu cầu cấp thiết” của cá nhân không được đáp ứng, chưa kể còn mang lại ấn tượng phản cảm cho khách. Có thể nói, chuyện về những nhà vệ sinh thật ra là vấn đề không nhỏ, bởi nó tác động trực tiếp đến cảm xúc, trạng thái cũng như mong muốn tiếp tục trải nghiệm hành trình du lịch của khách.
Nhìn sang các nước có du lịch phát triển, trong khi Nhật Bản đã xây dựng và khai thác khá thành công tour tham quan độc đáo tìm hiểu hệ thống các nhà vệ sinh thông minh, hiện đại, giàu tính nghệ thuật; Singapore có hẳn những quy định luật pháp về tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng; Thái Lan gây dấu ấn với hệ sinh thái toilet công cộng chất lượng cao…, thì Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn ở các không gian công cộng, điểm du lịch.
Có ý kiến cho rằng, diện mạo nhà vệ sinh công cộng không chỉ là thước đo đánh giá chất lượng cuộc sống con người mà còn là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đẳng cấp của một điểm đến du lịch.
Để tăng cường sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, nâng cao sự hài lòng của khách, vấn đề cần thiết và cấp bách là phải hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, trong đó có hệ thống nhà vệ sinh công cộng, trước mắt đáp ứng ít nhất tiêu chí đủ cho nhu cầu và sạch để theo kịp tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch; bên cạnh đó, cần có chiến lược và quy hoạch tổng thể, đồng bộ về việc xây mới, sửa chữa, khai thác, vận hành hệ thống nhà vệ sinh ở các không gian công cộng, điểm du lịch một cách hợp lý, trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội, nâng cao nhận thức và ý thức của đơn vị quản lý điểm đến cũng như người dân, khách du lịch trong vận hành, sử dụng không gian vệ sinh công cộng…
Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-tuong-nho-ma-khong-nho-post838861.html