Ngày 21.10, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã tổ chức thành công Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2023. Sự kiện có sự tham gia của 250 doanh nghiệp, hợp tác xã đại diện cho hơn 12.000 doanh nghiệp và hơn 700 hợp tác xã trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh chia sẻ, lắng nghe, động viên giải quyết những khó khăn với tinh thần khó khăn của các doanh nghiệp ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào, cấp đó giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Những vấn đề giải quyết được ngay thì giải quyết ngay, vấn đề chưa giải quyết được thì khẩn trương nghiên cứu đưa ra phương hướng, giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết thúc sự kiện, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Đông Thanh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk – nêu quan điểm: “Sự kiện năm nay, UBND tỉnh tổ chức bài bản, nhiều câu trả lời đáp ứng, thỏa mãn được cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. Do thời gian hạn chế nên còn có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa thể hỏi được lãnh đạo tỉnh nhà.
Nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, doanh nghiệp tại địa phương đang có rất nhiều rào cản để phát triển. Lấy ví dụ như khâu hoàn thiện thủ tục phòng cháy chữa cháy, nhiều người phải làm hồ sơ rất lâu, bị xử phạt nhiều lần khiến tinh thần chán nản. Trong khi đó, quy chuẩn đối với công tác phòng cháy chữa cháy đối với từng chủ thể kinh doanh thay đổi liên tục, rất mệt mỏi.
Bên cạnh đó, tình trạng quy hoạch chồng chéo, chưa đồng bộ, nhiều khu dân cư chuyển thành đất trồng cây lâu năm hoặc quỹ đất để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng làm các dự án lớn cũng là một trong những tác nhân chính cản trở việc phát triển của doanh nghiệp tại địa phương. Đó là chưa kể đến thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp với quá nhiều khâu khiến cho nhiều doanh nghiệp các tỉnh khác đến đầu tư tại địa phương phải “chùn chân”, không dám tiến xa”. Chỉ số PCI của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh thành”.
Theo ông Thanh, trong bối cảnh, kinh tế suy thoái theo chu kỳ dẫn đến niềm tin của doanh nghiệp ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung hạ thấp. Họ không muốn bứt phá, mạn dạn đầu tư làm lớn vì chịu quá nhiều rủi ro. Chính vì lẽ đó, cơ quan chức năng cần phải thấu hiểu, đồng hành, sẻ chia với cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện thủ tục hành chính, dẹp bỏ những khâu trung gian, rườm rà, không cần thiết, thì mới đem lại sự phát triển ổn định về kinh tế – xã hội.
Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 1.078 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.314 tỷ đồng và 328 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay lại hoạt động. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 12.496 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 11.528 doanh nghiệp và 968 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn. Doanh nghiệp mới thành lập nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động cũng tăng cao.