Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn chương là cầu nối tình hữu nghị

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế30/03/2025

Tại hội thảo trực tuyến mang tên “Hồi ức thành văn” do cuộc thi Di sản nét mực 2025 tổ chức mới đây, nhà văn Wayne Karlin đã giao lưu, trao đổi với các cây viết trẻ Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý trong sáng tác và quan niệm về nghề viết.


Nhà văn Wayne Karlin, sinh năm 1945 tại New York, là tác giả của nhiều tiểu thuyết như Những đội quân biến mất, Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Genizah... (Ảnh: Hà Anh)
Nhà văn Wayne Karlin, sinh năm 1945 tại New York, là tác giả của nhiều tiểu thuyết như Những đội quân biến mất, Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Genizah... (Ảnh: Hà Anh)

Với nhiều người Việt Nam, Wayne Karlin là một nhà văn đặc biệt, bởi ông từng là cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, có những đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu văn học đương đại Việt Nam ra thế giới.

Từ những năm 1990, ông đã tham gia biên tập và thúc đẩy xuất bản hàng loạt bản dịch tiểu thuyết, truyện ngắn và hồi ký của nhiều tác giả Việt Nam như Nguyễn Khải, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Dạ Ngân, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Đoàn Lê, Trần Văn Thủy… Những cuốn sách này được những nhà xuất bản uy tín của Mỹ ấn hành và để lại ấn tượng trong lòng người đọc.

Đặc biệt, ông là người đóng góp và đồng biên tập tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam mang tên Free Fire Zone. Ra đời năm 1973, tác phẩm này nêu rõ những đau thương mất mát mà chiến tranh đang gây ra cho cả người Việt và người Mỹ. Điều đáng quý hơn toàn bộ nhuận bút của quyển sách được đóng góp cho các dự án vì hòa bình, trong đó có quỹ giúp xây dựng lại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội – nơi bom Mỹ đã ném xuống năm 1972.

Chia sẻ tại hội thảo, ông nhắc lại một sự kiện thay đổi cuộc đời mình. Đó là cuộc gặp gỡ các nhà văn Việt Nam tại chương trình viết văn mùa Hè ở trung tâm William Joiner, Đại học Massachusets vào năm 1993. Khi nghe nhà văn Lê Minh Khuê kể về những năm tháng làm thanh niên xung phong ở Quảng Trị, gần Khe Sanh, ông nhớ lại ngay những khoảnh khắc mình từng bay qua khu vực đó cùng lệnh bắn nghiệt ngã.

Là một cựu binh, những năm sau đó, ông đã làm việc cùng nhà văn Lê Minh Khuê và nhà văn Trương Vũ để tập hợp bản thảo truyện ngắn mang tên The other side of heaven, mang tiếng nói từ nhiều phía của cuộc chiến: những cựu binh quân đội miền Bắc Việt Nam, những cựu binh quân đội Việt Nam Cộng hòa và các cựu binh Mỹ.

Tuyển tập, do nhà xuất bản Curbstone Press ấn hành vào năm 1995, được Hiệp hội các nhà phê bình văn học Mỹ bình chọn là một trong những cuốn hợp tuyển hay nhất năm. Tất cả nhuận bút từ việc phát hành quyển sách trong hai năm đầu tiên được dành tặng cho Khoa Sản, Bệnh viện Huế và sau đó đóng góp cho Project Renew, một tổ chức rà phá bom mìn còn sót lại ở Quảng Trị.

Từ năm 1995-2010, trong vai trò chủ biên loạt sách Voices from Viet Nam của nhà xuất bản Curbstone, ông Wayne Karlin đã biên tập và thúc đẩy việc xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam đương đại. Đặc biệt, ông và nhà văn Hồ Anh Thái đồng chủ biên tuyển tập Love After War: Contemporary Fiction from Viet Nam - tuyển tập truyện ngắn của 45 tác giả Việt Nam, xuất bản năm 2003, làm khởi sắc tiến trình quảng bá văn học Việt Nam.

Hiện tại, ở độ tuổi 80, sức khỏe không cho phép ông trở lại Việt Nam thường xuyên, nhưng ông vẫn đọc các tác phẩm văn học Việt Nam và giới thiệu với bạn đọc, bạn bè của mình.

Ông cho rằng phẩm chất quan trọng của nhà văn là giàu tình cảm, sự kiên trì và một nhân cách đẹp. Nhớ lại khoảng thời gian tham chiến ở Việt Nam, ông chia sẻ: “Trong chiến tranh, người ta phải chôn chặt nhân tính, vì một khi nhìn thấy nó, ta không thể tiếp tục. Chỉ cần một khoảnh khắc nhận ra nhau cũng là con người, sự đồng cảm sẽ trỗi dậy, phá vỡ những vô cảm mà chiến tranh tạo ra. Khi đó, làm sao ta có thể ra tay giết chóc nữa?".

Ông khuyên các cây bút trẻ Việt Nam: “Hãy viết nhật ký để lưu giữ những mảnh ghép của cuộc sống, dù chỉ là một vạt nắng. Ghi nhớ lời nói, cách nói của những người xung quanh và viết lại, vì đó sẽ là chất liệu quý giá cho ngòi bút sau này”.



Nguồn: https://baoquocte.vn/van-chuong-la-cau-noi-tinh-huu-nghi-309045.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tự hào vết thương chiến tranh sau 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Đoàn kết vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất
Săn mây ở miền sơn cước yên bình Hang Kia - Pà Cò
Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm