Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”. (Ảnh BÁO BẮC NINH) |
Bài 1: Xây dựng văn hóa báo chí trước yêu cầu của thời đại
Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; có khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 19.356 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Các số liệu nêu trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhất là số lượng các cơ quan báo chí và người làm báo tăng lên nhiều so với những năm đầu đổi mới.
Cùng với đó, chất lượng các ấn phẩm báo chí được chú trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận thông tin đa dạng, phong phú của công chúng. Đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão, các cơ quan báo chí đã nỗ lực đổi mới, thích ứng kịp thời với xu thế của thời đại. Có thể khẳng định, trải qua chặng đường hơn 70 năm hình thành và phát triển, báo chí
cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, luôn phát huy vai trò tiên phong và tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI diễn ra vào ngày 31/12/2021, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ghi nhận: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, ngày thêm nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao…”.
Tuy nhiên đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, của một số cơ quan báo chí và người làm báo đó là: “chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích cá nhân, sa đà vào thông tin mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, thậm chí làm sai lệch bản chất sự việc. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh; nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí; tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ…”.
Thời gian qua, những người làm báo chân chính không khỏi phiền lòng trước những hiện tượng tiêu cực như tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp, không thật sự tôn trọng, lắng nghe người dân trong quá trình tác nghiệp, tình trạng “nhà báo hai mặt”, “nhà báo đếm tầng”,… ngày càng trở nên nổi cộm. Đã có những cơ quan báo chí và một số phóng viên bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dù muốn hay không điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến vai trò, sức mạnh của báo chí, làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với những người làm báo; từ đây đòi hỏi các cơ quan báo chí, người làm báo cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi, thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, trong đó vấn đề xây dựng văn hóa báo chí là yêu cầu có tính cấp bách.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình các nước trong khu vực và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí; các thế lực thù địch, phản động vẫn liên tục chống phá Việt Nam bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc.
Do đó việc nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa, các biểu hiện sa sút về văn hóa trong hoạt động báo chí cần kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh nghiêm khắc là yêu cầu cấp thiết.
Quan tâm, xây dựng văn hóa báo chí không chỉ giúp báo chí làm tốt chức năng, vai trò của mình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Bởi lẽ mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, tác động đến nhận thức, tâm tư tình cảm của công chúng. Mỗi người làm báo cũng chính là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đồng thời báo chí có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc.
Vấn đề xây dựng, nâng cao văn hóa báo chí, xây dựng đạo đức người làm báo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa sống còn trong hoạt động báo chí, và thường xuyên được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đáng chú ý tại Nghị quyết số 33-NQ/TW Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, từ đó yêu cầu: xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Đối với hoạt động báo chí, Nghị quyết yêu cầu: “Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cơ chế đầu tư theo hướng ưu tiên các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu; nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”, đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ trong thời gian tới là phải “Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng một bộ phận báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường”.
Nhận thức sâu sắc vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng văn hóa báo chí tại cơ quan, đơn vị với những tiêu chí cụ thể đó là: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, dũng cảm đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ cái đúng; tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí, bám sát mọi vấn đề của đời sống, lắng nghe phản ánh kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, chú trọng gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Thực tiễn chứng minh giá trị của một bài báo nằm ở giá trị xã hội của nó. Chính từ những sản phẩm báo chí đề cao tính nhân văn, phụng sự lợi ích của dân tộc, của nhân dân đã giúp các giá trị văn hóa được lan tỏa, tạo động lực và cảm hứng tích cực trong cộng đồng.
Thời gian qua, vấn đề xây dựng văn hóa báo chí đã dần tạo thành phong trào mạnh mẽ sâu rộng trong các cơ quan báo chí. Tiêu biểu có thể kể đến sự kiện ngày 21/6/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo; xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa; thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phấn đấu “mỗi tòa soạn là một điểm sáng văn hóa, mỗi người làm báo là một nhân cách văn hóa”.
Thực tiễn triển khai việc xây dựng văn hóa báo chí thời gian qua cho thấy phải đặc biệt chú ý đến hai vấn đề có tính cốt yếu đó là xây dựng đội ngũ những người làm báo có nhân cách, đạo đức, giỏi chuyên môn nghiệp vụ song song với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện và chuyên nghiệp. Để nhiệm vụ này phát huy hiệu quả trên thực tiễn cần sự thay đổi rất lớn trong tư duy, nhận thức, cách điều hành hoạt động của mỗi cơ quan báo chí, nhất là vai trò của người đứng đầu; bên cạnh đó không thể thiếu trách nhiệm của mỗi người làm báo.
Hơn lúc nào hết, tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và tiêu chí văn hóa của người làm báo cần được thường xuyên quán triệt, triển khai trên thực tiễn; cần nhận thức một cách sâu sắc nhiệm vụ: “Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm”(1).
Để tạo lập thông tin lành mạnh, an toàn, các cơ quan báo chí, xuất bản truyền thông chính thống phải làm chủ được mặt trận thông tin. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động báo chí, xuất bản; nâng cao chỉ đạo định hướng báo chí xuất bản theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ cương trong các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Chỉ khi việc xây dựng văn hóa báo chí trở thành nhu cầu, động lực phát triển từ chính cơ quan báo chí, người làm báo, thể hiện bằng ý thức, thái độ, tác phong nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức, các sản phẩm báo chí chất lượng cao được cung cấp tới độc giả,… thì văn hóa báo chí mới thật sự tạo nền tảng vững chắc, không ngừng lan tỏa giá trị trong đời sống. Người làm báo và các cơ quan báo chí khi đó mới phát huy vai trò tiên phong trong mặt trận văn hóa, và góp phần định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.
(Còn nữa)
(1) Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Nhandan.vn