Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp; chuyên gia khoa học các viện, trường trong cả nước tham dự hội thảo.
Các đại biểu đã thảo luận sâu về công tác phối hợp với hệ thống khuyến nông để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Đồng thời làm rõ vai trò lực lượng khuyến nông, từ khuyến nông Trung ương cho đến khuyến nông cộng đồng cũng như những vướng mắc, bất cập trong hoạt động của lực lượng khuyến nông cộng đồng hiện nay.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay tại 12 tỉnh/thành triển khai đề án đã thành lập được hơn 900 tổ KNCĐ với trên 10.000 thành viên. Hầu hết các tỉnh đã lồng ghép hoạt động của KNCĐ với các hoạt động chung của hệ thống khuyến nông. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, tổ KNCĐ đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nông dân tại vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng KNCĐ còn không ít khó khăn, hạn chế như: Đa số cán bộ KNCĐ là kiêm nhiệm nên thời gian chủ yếu dành cho công tác chuyên môn. Thiếu các thành viên có chuyên môn, đam mê, có kinh nghiệm trong công tác khuyến nông. Hoạt động khuyến nông chỉ mới tập trung nhiều đến việc chuyển giao kỹ thuật mới chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, chưa cân đối được nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện.
Bà Võ Thị Anh Tâm, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho biết, khi tham gia Đề án và thực hiện QĐ số 1094 của Bộ NN&PTNT về nâng cao hiệu quả hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng thì tỉnh đã thành lập được 142 Tổ khuyến nông cộng đồng với 1458 thành viên. Tuy nhiên nhân sự lực lượng này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có tư cách pháp nhân nên hoạt động mang tính chất phối hợp là chủ yếu. Hiện tỉnh cũng có chung thực trạng với các địa phương khác là chưa bố trí được nguồn kinh phí hoạt động cho Tổ khuyến nông cộng đồng nên hiệu quả còn hạn chế.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, đây là đề án rất lớn, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT với các Bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Đồng thời cho biết, hiện Ngân hàng Thế giới thống nhất mua tín chỉ cacbon trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với giá khoảng 10 USD/tấn, 1 ha lúa nông dân có thêm thu nhập khoảng 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị: “Qua hội nghị hôm nay, đề nghị các đồng chí chỉ đạo rà soát lại lực lượng khuyến nông ở các địa bàn. Một là hợp tác xã, thứ hai là lực lượng khuyến nông cộng đồng để chúng ta đo đếm. Nếu địa bàn không có lực lượng khuyến nông thì chúng ta không đo đếm được. Rất mong các đồng chí về tham mưu cho Sở Nông nghiệp, Ủy ban để triển khai củng cố, kiện toàn và mở rộng lực lượng khuyến nông ở địa bàn. Còn các vấn đề cụ thể liên quan tới khuyến nông, các đồng chí có vướng gì thì trao đổi với Trung tâm Khuyến nông quốc gia để mà tháo gỡ, sẵn sàng tiếp nhận công việc”.