Trước xu thế hội nhập và phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, nhu cầu, khả năng sử dụng internet trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ngày càng tăng cao và phổ biến. Do đó, việc tuyên truyền, định hướng cho ĐVTN sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, hiệu quả đang được các cấp bộ đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Trang Facebook “Đoàn huyện Quảng Xương” tích cực duy trì việc đăng tải chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hồng Anh, Bí thư Huyện đoàn Quảng Xương chia sẻ: Mạng xã hội – nhất là facebook cung cấp một bức tranh thông tin vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, việc chọn lọc thông tin giữa “bão tin tức” như hiện nay là điều vô cùng quan trọng ở những người tham gia mạng xã hội. Những nút share (chia sẻ), like (thích), comment (bình luận) của chúng ta có thể góp phần quảng bá, nhân lên những điều tốt đẹp, ngược lại, cũng có thể vô tình biến chúng ta tiếp tay cho kẻ xấu. Từ thực tế đó, những năm qua Huyện đoàn Quảng Xương luôn chú trọng đến việc phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Trong đó, khuyến khích mỗi ĐVTN phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nguồn thông tin bịa đặt, sai trái, không đúng sự thật. Huyện đoàn cũng đã thành lập tổ định hướng dư luận cấp cơ sở. Hằng tháng, các đoàn xã, thị trấn sẽ gửi báo cáo tóm tắt, báo cáo nhanh về định hướng dư luận trong ĐVTN. Đồng thời, huyện đoàn cũng chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong huyện thành lập các trang, nhóm trên facebook, zalo nhằm tuyên truyền, tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN.
Với quan điểm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” huyện đoàn đã chỉ đạo duy trì và phát triển hai chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” và chuyên mục “Đoàn tuyên truyền”. Trong những năm qua, toàn huyện đã đăng tải hàng nghìn tin tốt, câu chuyện đẹp của ĐVTN trên địa bàn huyện trong XDNTM, gương ĐVTN điển hình của huyện và của cả nước, các bài tuyên truyền vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, các bài viết phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch… Từ đó, góp phần định hướng giá trị sống, nhân cách, niềm tin và tư tưởng cho ĐVTN; đồng thời, bước đầu tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội.
Những năm qua, huyện đoàn cũng đã tích cực tổ chức các buổi tập huấn công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở; phối hợp với công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền Luật An ninh mạng cho ĐVTN, học sinh khối trường THPT. Đồng thời, nhằm nâng cao “sức đề kháng” của thanh niên trước các thông tin xấu độc, các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt, diễn đàn, tuyên truyền qua mạng xã hội để nâng cao kỹ năng, khả năng thẩm định thông tin từ mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại, kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, văn hóa sử dụng mạng xã hội…
Đồng chí Hoàng Bùi Đức, Bí thư Đoàn xã Quảng Trạch (Quảng Xương) chia sẻ: Công tác tuyên truyền đấu tranh trên không gian mạng rất quan trọng. Bởi hiện nay, đa phần ĐVTN đều sử dụng mạng xã hội, nên nếu không có định hướng tư tưởng, lập trường vững vàng thì sẽ khó tránh khỏi việc chia sẻ những thông tin sai trái. Bởi vậy, thời gian qua, ĐVTN trong xã đã từng bước phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong đấu tranh với luồng thông tin xấu trên không gian mạng, thông qua việc tích cực đăng tải, chia sẻ những việc làm tốt, gương điển hình, mô hình tốt, cách làm hay trên trang facebook, zalo của đoàn xã và của cá nhân ĐVTN. Đồng thời, mỗi ĐVTN, những người trực tiếp dùng mạng xã hội phải có trách nhiệm loại bỏ những thông tin xấu, độc, sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Xác định rõ tổ chức Đoàn các cấp và cán bộ, đoàn viên là lực lượng tiên phong, nòng cốt tham gia đấu tranh phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tăng cường định hướng, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho ĐVTN. Từ năm 2018, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã chính thức thành lập các tổ cộng tác viên định hướng tuyên truyền trên mạng xã hội với nòng cốt là lực lượng cán bộ đoàn các cấp từ tỉnh đến phường, xã. Đồng thời, mỗi cơ sở đoàn từ cấp xã, phường, thị trấn phải thành lập ít nhất 2 địa chỉ facebook, có đội ngũ quản trị riêng. Mỗi bài viết đăng tải trên các trang facebook này phải được kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, đảm bảo tính nhanh nhạy, chính xác, phong phú, tạo thành địa chỉ tổng hợp thông tin tin cậy và là nơi kết nối ĐVTN ở mọi nơi trong tỉnh. Cùng với đó, là duy trì và hoạt động có hiệu quả trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Thanh Hóa và fanpage với các nội dung phong phú, đa dạng như: xây dựng về hình ảnh đẹp của thanh niên Thanh Hóa trong thời kỳ mới, chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Những năm gần đây, hoạt động của Câu lạc bộ lý luận trẻ tỉnh Thanh Hóa cũng đã trở thành diễn đàn, sân chơi bổ ích để ĐVTN cùng nhau thảo luận các vấn đề xã hội được giới trẻ quan tâm, các sự kiện chính trị – xã hội trong nước và quốc tế nổi bật, các vấn đề đặt ra đối với tổ chức đoàn, hội, đội trong giai đoạn hiện nay; phân tích, nhận diện đúng sai để hiểu được vấn đề một cách thấu đáo, cặn kẽ, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên trước các thông tin xấu, độc và âm mưu của các thế lực thù địch.
Thông qua những việc làm đa dạng, thiết thực của các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã góp phần định hướng cho ĐVTN sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế để giúp ĐVTN có một “lá chắn” bảo vệ mình trên không gian mạng các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ đoàn để điều hành, quản lý trang fanpage của tổ chức đoàn; tăng cường công tác giáo dục nhận thức cho ĐVTN trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên internet một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết nhưng tỉnh táo với những luồng thông tin sai trái, xấu độc. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực từ các nguồn chính thống về các gương người tốt, việc tốt; những hình ảnh đẹp; những cách làm hay, sáng tạo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, kịp thời định hướng dư luận, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin tích cực, “sức đề kháng” trước thông tin xấu, độc, tạo môi trường thông tin lành mạnh cho ĐVTN.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt