Trong bài giảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu tầm nhìn về một bức tranh sống động của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo không đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà là những động lực then chốt góp phần định hình lại toàn bộ phương thức sản xuất và vận hành của xã hội.
Quá trình chuyển đổi này đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Chuyển đổi số – Từ công cụ đến động lực phát triển
Khi nhắc đến công nghệ số, nhiều người vẫn nghĩ đến việc số hóa các quy trình hiện có – đưa thủ tục hành chính lên mạng, tự động hóa dây chuyền sản xuất, hay ứng dụng phần mềm vào quản lý. Tuy nhiên, như người đứng đầu Đảng ta đã chỉ ra, bản chất của cuộc cách mạng số không chỉ dừng lại ở việc “số hóa cái cũ” mà là kiến tạo một phương thức sản xuất mới, trong đó dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất quan trọng, và mối quan hệ giữa con người với công nghệ được định hình lại một cách căn bản.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên mới này. “Đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Đây không chỉ là công nghệ hỗ trợ đơn thuần, mà nên được nhìn nhận như một đối tác chính yếu trong quá trình sản xuất và sáng tạo. Bản chất là những hệ thống vi tính được xây dựng và phát triển để mô phỏng trí tuệ con người, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng tăng cường đáng kể năng lực ra quyết định, từ hoạch định chính sách đến điều hành doanh nghiệp, từ quản lý đô thị đến phát triển nông nghiệp.
Tầm nhìn này phản ánh một nhận thức sâu sắc về cơ hội từ cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đây là cơ hội để đi tắt đón đầu, tạo bước phát triển vượt bậc. Hơn nữa, khi ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới số ngày càng mờ nhạt, việc nắm bắt sớm, ứng dụng hiệu quả và làm chủ công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, sẽ định hình lại vị thế quốc gia trong trật tự toàn cầu mới.
Vì vậy, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số và trí tuệ nhân tạo không chỉ là nhiệm vụ của ngành công nghệ thông tin hay một số doanh nghiệp công nghệ. Đây phải là một quá trình chuyển đổi toàn diện, từ cách thức điều hành của bộ máy nhà nước, đến phương thức hoạt động của doanh nghiệp, cho đến đời sống hàng ngày của người dân. Mục tiêu không phải là tin học hóa đơn thuần, mà là xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mọi người đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống.
Xã hội Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Vậy kỷ nguyên mới với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo có thể góp phần định hình xã hội Việt Nam như thế nào? Trong lĩnh vực quản trị nhà nước, các hệ thống thông minh sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc hoạch định chính sách và ra quyết định, giúp cán bộ, công chức nhanh chóng đưa ra những ý kiến tham mưu kịp thời dựa trên phân tích dữ liệu chuyên sâu. Thay vì phải chờ đợi qua nhiều cửa nhiều khâu, người dân và doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan nhà nước một cách thuận tiện, nhanh chóng thông qua các nền tảng số.
Tinh thần “dám nghĩ, dám làm” sẽ được thể hiện rõ nét khi các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân có trong tay những công cụ phân tích và dự báo mạnh mẽ. Trí tuệ nhân tạo không chỉ hứa hẹn sẽ giảm thiểu rủi ro trong việc ra quyết định mà còn có thể mở ra những cơ hội đổi mới sáng tạo chưa từng có. Từ việc dự báo xu hướng thị trường đến tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ phát triển sản phẩm mới đến cải tiến dịch vụ công, công nghệ số sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong việc đề xuất và thực thi những ý tưởng đột phá.
Trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cá nhân hóa việc học tập, tạo điều kiện cho mọi người được đào tạo theo năng lực và nhu cầu riêng.
Các nền tảng học trực tuyến kết hợp với trí tuệ nhân tạo không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức mà còn giúp người học phát triển những kỹ năng cần thiết cho kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, việc học tập suốt đời sẽ trở nên dễ dàng và thiết thực hơn khi mọi người có thể cập nhật kiến thức và kỹ năng mới mọi lúc, mọi nơi.
Công nghệ thường được cho là sự đối lập của văn hóa và truyền thống. Tuy nhiên, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể giúp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo những cách thức mới mẻ và sinh động hơn. Trong các làng nghề thủ công, nghệ nhân trong tương lai sẽ kết hợp kỹ thuật truyền thống với công nghệ số để sáng tạo những sản phẩm độc đáo, vừa giữ được hồn cốt di sản vừa đáp ứng thị hiếu hiện đại. Việc quảng bá và thương mại hóa các sản phẩm này trên các nền tảng số không chỉ tạo thu nhập bền vững cho người dân địa phương, mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Trong đời sống cộng đồng, các nền tảng kết nối số hứa hẹn tạo ra những hình thức tương tác mới, bổ sung chứ không thay thế cho các mối quan hệ truyền thống. Các tổ dân phố giờ đây vừa có không gian sinh hoạt cộng đồng thực, vừa có các nhóm trao đổi trực tuyến để cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của khu phố. Những hoạt động từ thiện, tương thân tương ái được tổ chức nhanh chóng và minh bạch hơn thông qua các nền tảng số, trong khi vẫn giữ được tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt.
Hơn hết, những công nghệ này đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể một cách hiệu quả hơn. Các lễ hội truyền thống, câu chuyện dân gian, và những làn điệu dân ca được số hóa với công nghệ thực tế ảo, tăng cường, giúp thế hệ trẻ tiếp cận di sản theo cách sinh động và tương tác. Các thư viện số về văn hóa Việt Nam, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và quảng bá văn hóa dân tộc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Có thể nói, trong bức tranh tổng thể về kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư đã phác họa, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo là một trong những động lực then chốt của sự chuyển mình. Đó sẽ là một xã hội nơi công nghệ tiên tiến trở thành đòn bẩy để người Việt Nam tự tin sáng tạo, chủ động nắm bắt cơ hội và vững vàng trên con đường phát triển.
Khi các giải pháp công nghệ được kết hợp với tinh thần tự lực, tự cường và niềm tự hào dân tộc, chúng ta có thể tạo ra những đột phá mới trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến quản trị, từ giáo dục đến văn hóa. Đây chính là một trong những con đường quan trọng để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà có thể vượt lên trong kỷ nguyên số, góp phần hiện thực hóa khát vọng về một đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính của anh bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/vai-tro-cua-cong-nghe-so-va-tri-tue-nhan-tao-trong-ky-nguyen-moi-20241106072558331.htm