Mận cơm (mận cherry) Sơn La đang vào vụ thu hoạch nên được các nhà vườn rao bán giá chỉ 6.000 – 8.000 đồng một kg, bằng một phần ba loại mận khác.
Mận cơm có hình dáng gần giống quả cherry nhập khẩu nên được dân buôn gọi là “mận cherry”. Ông Hoàng, một hộ dân trồng mận tại xã Chiềng Cọ (Sơn La), cho biết năm nay mận rớt giá nhẹ, song vẫn có lời. Các năm trước, nhà vườn thường bán mận cơm khi trái còn xanh, ba năm nay dịch Covid-19 kéo dài, ế ẩm nên họ để chín đỏ cả vườn. Từ đó, nhu cầu mận chín tăng cao, nhiều khách hàng ưa chuộng hàng chín vì chúng ngọt và có hình dáng giống như trái cherry.
“Trái xanh ăn giòn, còn quả chín có vỏ màu đỏ, ruột vàng và ngọt đậm. Ngoài ăn trực tiếp, nhiều khách còn mua về làm mứt hoặc ngâm thành nước trái cây”, ông Hoàng nói.
Trên chợ mạng, mận cherry cũng được bán với giá rất rẻ, khoảng 9.000-15.000 đồng một kg.
Chị Loan, đầu mối bán trái cây ở Sơn La cho biết, giá bán lẻ loại mận này hiện là 13.000 đồng một kg. Nếu khách mua sỉ 10 kg giá là 90.000 đồng, tức 9.000 đồng một kg. Mua nhiều trên 1 tạ, giá giảm còn 8.000 đồng một kg.
“Loại này giá siêu rẻ nên khá hút khách. Mỗi ngày tôi bán hết cả tạ”, chị Loan nói.
Tương tự, anh Thành ở Hà Nội cho biết, mỗi ngày bán vài tạ mận cơm. Mận này tuy chín đỏ nhưng trái cứng và giòn chứ không bị nhũn như hàng nhập từ Trung Quốc.
Theo người dân địa phương, so với mận hậu, mận cơm có giá trị kinh tế không cao. Sở dĩ người dân vẫn duy trì loại cây này vì chúng dễ trồng. Ngoài thu quả, vài năm gần đây nhiều nhà vườn còn tỉa cành bán hoa nên loại này cho lợi nhuận ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La cho hay, giá mận cơm thấp nhưng loại này có năng suất cao hơn các loại mận khác. Chúng được trồng tập trung tại các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan… Mùa thu hoạch của giống mận cơm kéo dài khoảng 2 tháng (tháng 4 và 5). So với trước dịch, giá bán loại này giảm 3-4 lần.
Theo thống kê, Sơn La hiện có khoảng hơn 1.000 ha diện tích mận cơm với sản lượng mỗi năm 3.000-4.000 tấn.
Hồng Châu