Một số hiện tượng tôn giáo mới hoặc tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật (còn gọi là các “tà đạo”, “đạo lạ”) mượn danh nghĩa các tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật các tôn giáo để hoạt động ngày càng nhiều, mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều tỉnh, thành phố.
Thống kê sơ bộ tính đến tháng 6/2023 trên cả nước có khoảng 100 “tà đạo”, “đạo lạ” đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng và hợp pháp của người dân, sự ổn định của xã hội và tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự, trong đó có một số tà đạo bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Các thủ đoạn
“Tà đạo” có thể hình thành dưới hình thức “mượn danh” các tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, để được lập ra (như: Tin lành Đề ga, Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam, Giê sùa, Bà Cô Dợ… có nguồn gốc từ đạo Tin lành) hoặc mượn các giáo lý, giáo luật của đạo Công giáo, Tin lành, phật giáo và tín ngưỡng dân tộc để hoạt động (như: Pháp môn diệu âm, thanh hải vô thượng sư, Pháp luân công…).
Phương thức, thủ đoạn hoạt động và mục đích chính của các đối tượng cầm đầu các “tà đạo” có một số điểm chung là mượn các giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống, hoặc tín ngưỡng, phong tục tập quán dân tộc… tạo thành các “giáo lý, giáo luật riêng” để tuyên truyền, lôi kéo.
Sau khi tạo được lòng tin và lôi kéo được đông người tham gia, chúng tiến hành tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… như đề nghị nộp một khoản tiền thu nhập của cá nhân, khuyên người ốm không được uống thuốc, chỉ cần thờ cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng nước thánh hoặc “niệm thần chú” sẽ hóa giải được bách bệnh (như: Hội thánh của Đức chúa trời mẹ; Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam;Pháp luân công…) nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân của đối tượng cầm đầu hoặc một nhóm người.
Hoạt động trên đã thu hút một bộ phận quần chúng nhân dân tin theo gây nhiều hệ lụy cho các gia đình, cộng đồng xã hội mặc dù đã bị cả xã hội lên án; (3) một số “tà đạo” (như: Giê sùa, Bà Cô Dợ, Dương Văn Mình, Tin lành Đề ga, Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam…) được các thế lực thù địch hậu thuẫn, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo… để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Khi bị chính quyền phát hiện, xử lý thì các thế lực thù địch, phản động sẽ lợi dụng để xuyên tạc, kích động, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến tới thực hiện “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định về an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặc điểm nhận dạng hoạt động của các đối tượng thường là lén lút, núp dưới nhiều vỏ bọc rất tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng như sử dụng mạng xã hội, các hội, nhóm kín trên không gian mạng để sinh hoạt, tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia.
Số đối tượng chủ mưu, cầm đầu sáng lập các tà đạo có thể trước đó đã từng theo và giữ chức vụ nhất định trong các tôn giáo chính thống nhưng do có tư tưởng lệch lạc, có mâu thuẫn, vi phạm trong nội bộ nên bị trục xuất, hoặc bị các thế lực thù địch, phản động tác động, lôi kéo để hình thành các tà đạo nhằm mục đích chính trị xấu, tiến tới hoạt động chống Đảng, Nhà nước; các đối tượng này thường tự cho rằng mình được “đấng siêu nhiên” lựa chọn làm “cầu nối” để cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó tạo lòng tin để lôi kéo đông người tham gia tà đạo.
Những người tham gia “tà đạo” thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng thường tập trung vào số người có trình độ dân trí thấp, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, kinh tế… với mong muốn tìm chỗ dựa về tinh thần, vật chất. Nắm bắt được tâm lý này các đối tượng trong các tà đạo đã tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí cưỡng ép người dân tham gia; khi đã tham gia họ thường mê muội, cuồng tín, sẵn sàng bỏ qua luân thường đạo lý, từ bỏ hạnh phúc gia đình, đạo đức xã hội, của cải, vật chất, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để tin theo các tà đạo.
Một số trường hợp sau khi tham gia, do nhận thức ra tính nguy hại của các tà đạo, muốn từ bỏ thì bị các đối tượng dọa nạt, ép buộc, sử dụng hình ảnh của “đấng siêu nhiên”, “ma quỷ”… để đe dọa, cưỡng ép khiến cho họ phải làm theo “đức vâng lời”; theo chỉ đạo của những kẻ mượn danh thần linh, số người tham gia được hướng dẫn cách thức tuyên truyền, lôi kéo những người khác cùng tham gia, đồng thời yêu cầu người tham gia phải giữ bí mật, không tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của dân tộc, nếu ai lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ “tăng pháp, đắc đạo”, được thần linh “ban phước”, được giữ những vị trí, vai trò nhất định trong các tổ chức…
Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, điều đó được khẳng định tại Điều 24, Hiến pháp năm 2013 “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Đồng thời tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta cũng xác định “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo… thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc…”; với tinh thần trên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các tôn giáo chính thống theo nguyện vọng, qua đó đã tạo nên Việt Nam là một Quốc gia đa tôn giáo, đại đa số người dân có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với phong tục, tập quán, giáo lý, giáo luật và các quy định của pháp luật, đồng thời những người theo hoặc không theo tôn giáo đều được Đảng, Nhà nước đối xử công bằng, bình đẳng.
Có thể khẳng định rằng Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, với phương châm “theo hay không theo tôn giáo là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi công dân” nhưng phải đảm bảo chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng kiên quyết đấu tranh phá vỡ ý đồ, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng các vấn đề trên để tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia các “tà đạo”, “đạo lạ”, không để các đối tượng xâm phạm sự ổn định về trật tự xã hội, xâm phạm an ninh Quốc gia, gây mất ổn định về an ninh chính trị (ANCT) và tình hình an ninh trật tự (ANTT).
Phương Anh