Một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết mới do các nhà khoa học Brazil nghiên cứu hiệu quả khoảng 80%, dự kiến xin cấp phép năm 2025.
Kết quả thử nghiệm vaccine được công bố ngày 1/2 trên tạp chí y khoa New England (NEJM), là công trình nghiên cứu nhiều năm của Viện Butantan, trong đó bao gồm dữ liệu từ 16 trung tâm nằm tại 5 vùng của Brazil. Theo đó, vaccine đang thử nghiệm giai đoạn ba, cho thấy hiệu quả bảo vệ khoảng 80% trên những người chưa từng mắc sốt xuất xuất huyết và khoảng 89% ở những người từng mắc bệnh.
Esper Kallas, tác giả nghiên cứu, cho biết sẽ hoàn thành giai đoạn theo dõi 5 năm đối với vaccine vào tháng 6 tới đây. Sau khi dữ liệu được tổng hợp, nhóm nghiên cứu sẽ thông tin về hiệu quả bảo vệ kéo dài trong bao lâu. Nếu thuận lợi, nhóm sẽ xin cấp phép vaccine trong năm 2025.
Thử nghiệm giai đoạn ba của vaccine này đã bắt đầu từ tháng 2/2016 trên 16.235 người Brazil. Trong đó khoảng 10.000 người được tiêm một liều vaccine và khoảng 6.000 người được tiêm giả dược.
Kết quả sơ bộ cho thấy hiệu quả vaccine trong hai năm (VE) là 79,6% trên người chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đó và 89,2% ở nhóm đã mắc bệnh. Mũi tiêm có hiệu quả chống lại hai tuýp huyết thanh sốt xuất huyết một và hai, còn tuýp số ba, bốn không lưu hành trong thời gian nghiên cứu nên chưa có đánh giá.
Tiến sĩ Mauricio Lacerda Nogueira, tham gia nghiên cứu, cho biết trước đó vaccine được đánh giá rất an toàn trên nhóm người chưa từng mắc sốt xuất huyết, đây là điểm khác biệt so với các vaccine đang lưu hành trên thị trường.
Sốt xuất huyết không có phương pháp điều trị cụ thể và thường khỏi sau một đến hai tuần. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Các nhà khoa học thế giới đã theo đuổi vaccine sốt xuất huyết 75 năm. Hiện chỉ hai loại vaccine ngừa sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng và khuyến cáo là Dengvaxia (3 liều) và TAK-003 (2 liều). Tuy nhiên, Dengvaxia được khuyến cáo sử dụng ở trẻ em và người lớn từ 9 đến 45 tuổi từng mắc sốt xuất huyết, không sử dụng cho những người chưa mắc do gây tăng cường phụ thuộc kháng thể. Do đó, vaccine mới được kỳ vọng sẽ giúp thế giới có thêm “vũ khí” chống lại sốt xuất huyết.
Chi Lê (Theo Cidrap, Nejm)