V-League 2023 trở lại sau chuỗi ngày tạm hoãn đã tạo nên một cuộc đua mới bên cạnh cuộc đua vô địch. Những đội bóng mới nổi như Công an Hà Nội hay Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội đang tạo nên cuộc đua “kim tiền” bên cạnh cuộc đua vô địch, nhưng cuộc đua này đang tạo những nỗi lo nhất định cho sự phát triển chung của giải đấu khi nhiều CLB trước đây chỉ là đội bóng một mùa.
Hiện tại, Công an Hà Nội đang là đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng với 24 điểm. Xếp sau là Thanh Hóa 23 điểm, xếp thứ 3 và thứ 4 lần lượt là CLB Hà Nội và Viettel với 22 điểm và 21 điểm. V-League 2023 đã đi được một nửa chặng đường và cuộc đua đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi tốp 4 đang chỉ hơn kém nhau 1 đến 2 điểm.
Filip Nguyễn là “bom tấn” mới nhất của Công an Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Trong đó, Thanh Hóa là đội liên tục dẫn đầu giai đoạn đầu của mùa giải khi thi đấu ổn định và có phần thăng hoa. Nhưng giá trị đội hình của Công an Hà Nội đã lên tiếng khi có chuỗi bất bại, trong đó có trận thắng quan trọng trước Thanh Hóa để giành ngôi đầu bảng. Các đội bóng mạnh của mùa giải trước như Viettel, Hải Phòng hay Bình Định đang có phần hụt hơi trong khâu tổ chức lực lượng.
Hiện tại, giai đoạn giữa mùa giải đang chứng kiến cuộc đua “kim tiền” đang được Công an Hà Nội và CLB Hà Nội tạo nên. Các “bom tấn” của giải đấu liên tục được bổ sung với những cái tên chất lượng trở về và tới từ châu Âu. Quang Hải sau hơn 1 năm thi đấu không thành công tại Pau FC đã quyết định trở về Việt Nam đầu quân cho Công an Hà Nội. Tiền vệ trụ cột của Đội tuyển Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp cho “nửa đỏ thủ đô” trở nên linh hoạt hơn trong các pha triển khai tấn công, đặc biệt là việc tịnh tiến bóng.
Bên cạnh Quang Hải, Công an Hà Nội còn có cho mình một “bom tấn” khác là cầu thủ Việt kiều Filip Nguyễn đến từ Cộng hòa Czech. Dù thi đấu ở châu Âu, Filip Nguyễn là cái tên không mấy xa lạ với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi anh liên tục thể hiện khát vọng thi đấu trong màu áo Đội tuyển Việt Nam. Những sự bổ sung liên tục đang giúp cho Công an Hà Nội dần trở thành một Đội tuyển Việt Nam thu nhỏ với những cầu thủ hàng đầu như Văn Hậu, Tấn Tài, Văn Thanh… Việc có sự góp mặt của Quang Hải sẽ giúp cho Công an Hà Nội hoàn thành trục dọc trong hệ thống lối chơi của mình.
Còn ở vị trí thủ môn, Công an Hà Nội đang có phần dư thừa tài năng khi đang có đến 2 thủ môn Việt kiều là Filip Nguyễn và Patrik Lê Giang. Hiện tại, Patrik Lê Giang đã được cho CLB TP. Hồ Chí Minh mượn thi đấu trong giai đoạn 2 của mùa giải. Những sự đầu tư rất mạnh tay đến từ Công an Hà Nộ cho thấy tham vọng vô địch lớn ngay mùa giải đầu tiên thi đấu ở V-League.
Cùng ở thủ đô Hà Nội, một CLB khác cũng cho thấy tham vọng với ngôi vô địch là CLB Hà Nội khi đón một “bom tấn” sao ngoại đến từ châu Âu là Milan Jevkovic người Serbia. Tân binh của CLB Hà Nội có hồ sơ thi đấu khá nổi bật khi đã từng chơi ở 8 CLB châu Âu, trong đó nổi bật có Red Star Belgrade, APOEL Nicosia hay Rosenborg. Jevkovic cũng không giấu tham vọng giành chức vô địch cùng CLB mới khi anh tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh chức vô địch ở buổi phỏng vấn ra mắt màu áo mới.
Những sự đầu tư khủng của các CLB ở V-League trong thời điểm hiện tại sẽ giúp cho giải đấu trở nên hấp dẫn, có nhiều sức hút hơn và tất nhiên chất lượng của giải đấu sẽ tăng lên. Nhưng tính bền vững của các CLB mới là điều đáng quan tâm, nhất là các CLB chi mạnh tay khi mới có mùa giải đầu tiên dự V-League.
Trong lịch sử của V-League không ít đội “sớm nở tối tàn” theo đúng nghĩa đen. Nhiều đội bóng thi đấu ở V-League đã chi tiền rất lớn để nhanh chóng nâng cấp đội hình ngay mùa đầu tiên dự V-League hay có nhà tài trợ mới. Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến như Quảng Ninh khi đội bóng này đã dừng hoạt động năm 2021. Một số CLB vẫn hoạt động hiện tại cũng từng là thế lực và đại gia của giải đấu như Bình Định hay Thanh Hóa cũng đã phải gặp khủng hoảng.
Thanh Hóa hiện tại chỉ kém đội dẫn đầu 1 điểm, nhưng giai đoạn 2019 – 2020 đội bóng này đứng trước nguy cơ tan vỡ khi FLC rút tài trợ. Chỉ đến khi Đông Á Group tài trợ thì Thanh Hóa mới ổn định và trở lại đường đua ở mùa giải năm nay.
Bình Định cũng làm mưa làm gió ở V-League mùa giải trước nhưng khi nguồn tài trợ bị ảnh hưởng, đội bóng này cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trụ cột của Bình Định đã chuyển sang thi đấu cho Công an Hà Nội của giải đấu mùa này. Có thể nói, Bình Định đã bị “chảy máu” lực lượng khi bị sa sút về tài chính.
Với những gì đã xảy ra, người hâm mộ cũng đặt câu hỏi, việc các ngôi sao của bóng đá Việt Nam tụ hội về một CLB sẽ có thời gian thi đấu cùng nhau là bao lâu. Các đội ở V-League vẫn chưa thể tự lấy bóng đá nuôi bóng đá mà dựa nhiều vào nhà tài trợ. Do đó, bất cứ CLB nào cũng đều rất nhạy cảm với việc đảm bảo tài chính. Khi đó, các cầu thủ Việt Nam sẽ phải liên tục chuyển từ đội này sang đội khác thì việc đảm bảo sự ổn định tư duy chiến thuật và lối chơi vẫn là một dấu hỏi lớn.
CAO THẮNG
.