Thay đổi mới trong Nghị quyết 73 liên quan tới đấu giá đất được các địa phương đón nhận tích cực, giúp việc đấu giá thuận lợi hơn, tạo nguồn thu…
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất. Đây là văn bản quan trọng, tác động tới việc thực hiện các dự án bất động sản và phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.
Nội dung trong Nghị quyết cho phép UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương uỷ quyền cho UBND cấp huyện, được quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Nhiều ý kiến nhận định, việc “phân quyền” quyết định giá đất cho UBND cấp huyện sẽ khắc phục được những bất cập về định giá đất trên thực tế trong thời gian chờ Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Nghị quyết số 73 được xem là bước tiến mới trong việc xác định giá đất.
Như thực tế, tại Hà Nội, từ tháng 6 năm ngoái, Thành phố đã uỷ quyền cho huyện điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất, làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá tại bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng. Nghị quyết 73 lần này, tiếp tục là một bước tiến mới trong việc đấu giá đất.
Đơn cử như một khu đất đấu giá tại huyện Mê Linh, Hà Nội có trị giá hơn 30 tỷ đồng, theo quy định cũ, UBND huyện đã nộp hồ sơ xác định giá đất lên thành phố được 2 tháng và vẫn đang chờ quyết định. Tuy nhiên, sau nghị quyết 73 của Chính phủ mới đây, nếu Thành phố uỷ quyền định giá khởi điểm đấu giá cho UBND huyện… thì việc định giá có thể được rút ngắn trong vòng chưa đầy 1 tháng.
“Trước kia thành phố xác định giá khởi điểm mà chúng tôi gửi lên cũng phải mất 3-4 tháng mới xong một giá đất, nhưng bây giờ nếu giao cho huyện chủ động thì chỉ mất nửa tháng là huyện đã ra được giá đất cụ thể của khu mà huyện định xác định giá”, ông Hoàng Quốc Thịnh, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch – UBND huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết.
Thay đổi mới trong Nghị quyết 73 liên quan tới đấu giá đất được các địa phương đón nhận tích cực, giúp việc đấu giá thuận lợi hơn, tạo nguồn thu kịp thời cho ngân sách.
Phân cấp xác định giá đất gỡ vướng cho các dự án
Hiện nay, do giá đền bù giải phóng mặt bằng dựa vào bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần, do cấp tỉnh ban hành, nên giá đất nhiều khi chưa theo kịp giá thị trường, thường là thấp hơn nhiều, dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Bởi cấp huyện là đơn vị đưa ra quyết định thẩm định, đưa ra giá đất, chủ trì đền bù về giải phóng mặt bằng sẽ gần dân, sát dân, lắng nghe được tiếng nói từ phía người dân nhiều hơn.
Đảm bảo tính khách quan trong định giá đất
Nhiều ý kiến nhận định việc phân quyền, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với giá đất sẽ giúp tiến gần hơn mục tiêu đưa giá đất của Nhà nước gần hơn với giá thị trường. Từ đó khơi thông cho các dự án bất động sản, đang gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân. Tuy nhiên, việc phân quyền cho cấp huyện, kể cả trong việc quyết định giá đất đền bù hay giá khởi điểm đấu giá, cần đảm bảo sự khách quan, minh bạch.
Ông Dũng, đại diện 1 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc phân quyền cho cấp huyện được quyết định giá đất trong một số trường hợp là cách làm rất mới. Tuy nhiên, theo ông, không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được ngay, mà cần có lộ trình áp dụng.
“Lạng Sơn là tỉnh miền núi trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Do đó nên có thí điểm, sau đó mới nên áp dụng trong thực tiễn. Ngoài ra, việc xác định giá đất nếu không có giám sát kiểm tra của cấp trên có thể dẫn đến lợi ích nhóm, tiêu cực. Do vậy là đề nghị nên có sự giám sát cụ thể”, ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm.
Một số ý kiến cho rằng nên thực hiện thí điểm việc uỷ quyền cho UBND cấp huyện được quyết định giá đất.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, Nghị quyết 73 sẽ giúp tỉnh, huyện được chủ động trong việc quyết định giá đất tại một số trường hợp cụ thể. Nhưng chắc chắn sẽ không tránh khỏi lúng túng giai đoạn đầu thực hiện.
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh hầu như là các đơn vị tư vấn, làm nhiệm vụ tư vấn về giá đất cụ thể phải mời từ nơi khác đến. Đây là nhiệm vụ mới trong nên trong quá trình tổ chức triển khai chắc chắn cấp huyện sẽ gặp một số lúng túng nhất định. Chúng tôi sẽ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ”, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong việc định giá đất, cũng cần nhanh chóng hoàn thiện một số quy định, hướng dẫn cụ thể để chính quyền địa phương có căn cứ thực hiện ngay. Tránh tình trạng rủi ro pháp lý cho cán bộ thực thi hoặc đùn đẩy, né tránh do sợ trách nhiệm làm cản trở đến tiến độ xử lý công việc.