Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng như các vấn đề được chọn chất vấn đã bám sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Tại phiên họp sáng 30/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh các vấn đề được chọn chất vấn tại kỳ họp Quốc hội trong thời gian vừa qua đã bám sát thực tiễn, trúng những vấn đề“nóng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Theo ông Cường, năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Trong đó đáng chú ý là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn.
Quốc hội bàn về chương trình giám sát năm 2025, quyết toán ngân sách Nhà nước
Hôm nay (30/5), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ Mười, bàn nhiều nội dung quan trọng về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV cho thấy có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục – đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn.
“Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết đối với 10 lĩnh vực,” Tổng Thư ký Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề cũng tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực.
“Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV,” ông Cường nói.
Theo ông, năm 2024, Quốc hội tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Trong đó, chuyên đề 1 sẽ giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Chuyên đề 2 giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao./.