Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý Nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành.
Đặc biệt, chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010).
Dự thảo Luật có các quy định mới như quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản);
Khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn…
Dự thảo Luật quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển;
Cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hoá 5 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới, có tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách Nhà nước; mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản;
Tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế tài nguyên; rà soát với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; rà soát với hiệp định về quản lý biên giới trên đất liền; bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật theo quy định.