Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh rủi ro trần nợ công

Việt NamViệt Nam10/02/2025


Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất chỉ điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công sau khi đã thực hiện đầy đủ các giải pháp và đảm bảo an toàn nợ công cũng như khả năng trả nợ.

Có thể điều chỉnh bội chi trong trường hợp cần thiết

Chiều ngày 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Tờ trình Đề án bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.

Trình bày nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của năm 2025. Theo đó, GDP cả nước cần đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với sự bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì các cân đối lớn. Đồng thời, cần phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tăng trưởng trên 8 Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh rủi ro trần nợ công
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày bâo cáo thẩm tra.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dao động trong khoảng 4,5-5%.

Trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể điều chỉnh mức bội chi ngân sách nhà nước lên khoảng 4-4,5% GDP để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài có thể chạm hoặc vượt ngưỡng cảnh báo, khoảng 5% GDP.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các khu vực kinh tế dự kiến tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Ngành công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt ít nhất 174 tỷ USD, tương đương khoảng 33,5% GDP, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, đầu tư công dự kiến khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng), tăng khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2025 đã được giao trước đó (790.700 tỷ đồng).

Quan tâm các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công

Ủy ban Kinh tế, trong quá trình thẩm tra, cơ bản đồng thuận với các mục tiêu, yêu cầu và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 được đề cập trong tờ trình và báo cáo của Chính phủ.

Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Điều này không chỉ góp phần củng cố nền tảng kinh tế vững chắc mà còn tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước tiến vào giai đoạn phát triển thịnh vượng – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì dưới ngưỡng 50 điểm trong hai tháng liên tiếp, phản ánh sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các yếu tố đảm bảo tính khả thi của Đề án, đặc biệt chú trọng các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và an toàn nợ công. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng năng suất lao động, do chỉ tiêu này có sự liên hệ chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng GDP.

Về chỉ tiêu lạm phát, mức điều chỉnh CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% được cho là cần thiết nhằm tạo dư địa cho việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, lạm phát là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế – ông Thanh lưu ý.

Tăng trưởng trên 8 Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh rủi ro trần nợ công
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là một điều chỉnh cần thiết để huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Chính phủ cần sử dụng nguồn lực hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Việc điều hành phải đảm bảo bội chi, nợ công trong phạm vi Quốc hội đã quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15.

Bất kỳ điều chỉnh nào cũng chỉ nên thực hiện sau khi đã triển khai hết các giải pháp cần thiết, đồng thời bảo đảm an toàn nợ công và khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ tham khảo thêm ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này – ông Thanh cho biết.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường năng lực nội tại, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được xem là nền tảng quan trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh khẳng định.

Các giải pháp quan trọng khác cũng được cơ quan thẩm tra đề cập, bao gồm củng cố quan hệ thương mại quốc tế, tận dụng các cơ hội từ sự dịch chuyển thương mại và công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế giữa các cường quốc.

Chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, chủ động và hiệu quả, trong khi chính sách tài khóa cần đảm bảo chi tiêu theo dự toán, tiết kiệm, tập trung vào các dự án trọng điểm và an sinh xã hội. Việc kiểm soát rủi ro tài chính, đảm bảo cân đối ngân sách, bội chi và nợ công trước mắt và dài hạn cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh, nhất là trong các thủ tục hành chính, quy trình đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất và có tác động lan tỏa rộng rãi.

Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tránh để quá trình tinh gọn bộ máy gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.



Nguồn: https://baodaknong.vn/tang-truong-tren-8-uy-ban-kinh-te-nhan-manh-rui-ro-tran-no-cong-242411.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available