Tham dự Chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Phạm Tất Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trần Hồng Thái – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ/TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Trong 10 Dự án thành phần của Chương trình, có riêng một Dự án (Dự án số 5) dành để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Từ những quan tâm sâu sát và chủ trương của Đảng và Nhà nước, mạng lưới trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển. Chế độ chính sách cho người dạy, người học được quan tâm; chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục được nâng lên; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đổi mới giáo dục,…
Quá trình triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào bộ máy của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các ngành kinh tế… Rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trên lĩnh vực công tác của mình.
Số học sinh, sinh viên người DTTS đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, thể theo cấp quốc gia, khu vực và quốc tế ngày càng nhiều; Học sinh thi đậu vào các trường đại học với số điểm cao, từ 28 điểm trở lên không còn là chuyện hiếm…
Để kịp thời biểu dương, khích lệ, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số nỗ lực hơn nữa, “vượt qua chính mình”, hội nhập và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương, đất nước, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2023. Bên cạnh đó, nhiều em ra trường đã có việc làm ổn định, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các em học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương luôn cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để gặt hái được nhiều thành quả hơn trong thời gian tới; luôn là tấm gương sáng, truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng vươn xa cho thế hệ trẻ cả nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng trên hành trình chung tay, góp sức xây dựng bản làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Buổi Lễ tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, trong đó, có 51 thành phần dân tộc (trong đó có 12 dân tộc thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù, có 13 em được tuyên dương); đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, với thành tích: 38 em đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023; 4 em học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia; 30 em trúng tuyển vào các trường đại học, học viện có tổng số 28 điểm trở lên theo tổ hợp ba môn xét tuyển đại học (không tính điểm ưu tiên);
Cùng 9 em học sinh thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù trúng tuyển vào đại học; trong đó có 3 em thuộc các dân tộc có dân số dưới 1.000 người; 2 em đạt Huy chương Vàng, Đồng trong các kỳ thi đấu thể thao cấp quốc gia; 29 thanh niên đạt thành tích xuất sắc trong công tác, khởi nghiệp thành công; 31 em học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu do các tỉnh lựa chọn.
Giao lưu tại chương trình, em Vi Dương Phong, dân tộc Thái, học sinh lớp 12A1, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã gây ấn tượng bởi sản phẩm tấm vải thổ cẩm. Đây là một sản phẩm được làm từ bẹ chuối, lá dứa và các nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi của các loài cây nông nghiệp ở Nghệ An. Dự án này đã giúp Vi Dương Phong cùng cộng sự đạt Huy chương Vàng và giải Đặc biệt tại cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc.
Từ sáng kiến của mình, Phong chia sẻ: “Em hy vọng, qua tấm vải thổ cẩm được tận dụng từ các nguyên liệu bỏ đi sẽ góp phần tạo nên một sản phẩm đặc trưng của quê hương. Từ đó, góp phần quảng bá văn hóa địa phương đến bạn bè quốc tế”.
Tại chương trình, 143 bạn học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS thuộc 51 dân tộc có thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; kỳ thi nghệ thuật và thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế… đã được vinh danh và ghi sổ vàng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Một số chân dung học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu như em Đặng Thị Quyết (dân tộc Dao, tỉnh Lào Cai) đạt giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023; em Nông Thị Hồng Hoa (dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng) đạt giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023; em Trần Thanh Tú (dân tộc Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trúng tuyển vào Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu với 29,05 điểm…
Lễ Tuyên dương ghi nhận nhiều em đạt thành tích rất xuất sắc như: Em Đặng Thị Tuyết, dân tộc Dao, ở Lào Cai; Em Nông Thị Hồng Hoa, dân tộc Tày, ở Cao Bằng đạt giải Nhất môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023; Em Trần Thanh Tú, dân tộc Chơ ro, ở Bà Rịa-Vũng Tàu trúng tuyển vào Đại học với 29,05 điểm và 3 năm học THPT đạt loại giỏi; Em Lò Văn Biển, dân tộc Thái, ở Điện Biên đạt 02 Huy chương Vàng tại giải vô địch Karate Đông Nam Á và Seagames 32; Em Vi Dương Phong, dân tộc Thái, ở Nghệ An, đạt Huy chương Vàng và Special Award Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế năm 2023.