Ủy ban Chứng khoán vừa thông báo về việc lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân gửi về Bộ Tài chính, trong đó có việc sửa đổi quy định nộp thuế khi chuyển nhượng chứng khoán.
Vì sao cần sửa thuế thu nhập cá nhân khi bán chứng khoán?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo tới nhà đầu tư trong và ngoài nước, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thành viên thị trường về việc lấy ý kiến với hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí).
Cơ quan này cho biết hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) có nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư/chuyển nhượng chứng khoán phái sinh; sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.
Trước đó, tại báo cáo đánh giá tác động thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính thừa nhận việc bán chứng khoán lỗ vẫn đóng thuế 0,1% là “chưa phù hợp”.
Một chuyên gia về thuế cho biết vào năm 2007, cơ quan thuế từng đề xuất phương án tạm thu thuế 0,1% với chuyển nhượng chứng khoán, sau khi quyết toán sẽ trừ 20% từ thu nhập.
Cụ thể, công ty chứng khoán sẽ tạm khấu trừ 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng, nhà đầu tư sẽ làm quyết toán thuế, kê khai sau. Nếu số thuế tạm nộp lớn hơn, nhà đầu tư sẽ được hoàn trả và ngược lại phải đóng thêm nếu thiếu.
Trong trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế 0,1% trên tổng giá từng lần bán. Nhưng đến năm 2014, cơ quan thuế quyết định áp dụng cách thu 0,1% trên mọi giao dịch như hiện tại.
Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán như thế nào để hợp lý hơn cũng là vấn đề lớn đặt ra.
Bởi nếu áp mức thuế 20%/thu nhập (lợi nhuận) từ chứng khoán như phương án từng đưa ra trước đây là không phù hợp. Bởi mức thuế này tương đương thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp hạch toán được tất cả các chi phí phát sinh, còn nhà đầu tư cá nhân không thể ghi nhận được các chi phí bỏ ra.
Việt Nam có thể học hỏi các thị trường phát triển như thế nào?
Một chuyên gia kinh tế kiêm nhà đầu tư chứng khoán sống ở Mỹ cho biết ở nước này, khi bán chứng khoán bị lỗ sẽ không phải đóng thuế. Thậm chí số tiền bị lỗ sẽ được tính đến trong việc tính thu nhập cá nhân trong năm, qua đó sẽ làm giảm thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ, một nhà đầu tư mua cổ phiếu A giá 10 USD, sau đó bán 20 USD, tức lãi 10 USD. Với trường hợp bán có lãi, Mỹ sẽ chia thành hai trường hợp để tính thuế.
Nếu cổ phiếu A đó được mua và nắm giữ dưới 12 tháng rồi bán, thì khoản lợi ngắn hạn đó sẽ được đánh thuế theo cùng một mức thuế suất như thu nhập thông thường của nhà đầu tư. Tức khoản thu nhập của nhà đầu tư ở mức nào sẽ phải đóng ở khung thuế tương đương theo quy định.
Trường hợp thứ hai, cổ phiếu A được mua và nắm giữ trên 12 tháng thì lợi nhuận bán được sẽ tính là dài hạn, tiền thuế đóng sẽ được ưu đãi hơn. Theo đó, thuế suất thu nhập từ vốn dài hạn là 0%, 15% hoặc 20% tùy thuộc vào thu nhập chịu thuế.
Vậy khi lỗ có đóng thuế? Vị chuyên gia lấy ví dụ, một nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu C có lợi 2.000 USD, nhưng khi bán cổ phiếu D lại lỗ 8.000 USD. Tức là khoản lỗ ròng của nhà đầu tư này là 6.000 USD.
Với khoản lỗ này, nhà đầu tư có thể làm thủ tục để khấu trừ thu nhập thuế cá nhân.
Chẳng hạn, năm đó nhà đầu tư này có tổng thu nhập chịu thuế là 100.000 USD, sau khi khấu trừ 3.000 USD, sẽ chỉ phải đóng thuế trên 97.000 USD còn lại.
Khoản 3.000 USD lỗ còn lại sẽ tiếp tục được khấu trừ vào năm sau, nếu nhà đầu tư này tiếp tục thua lỗ hoặc không phát sinh giao dịch. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có 1 năm lỗ quá nhiều, thì việc khấu trừ thuế sẽ diễn ra vào nhiều năm sau.
Ở Mỹ, do việc thu thuế phức tạp với nhiều thuế suất khác nhau, do vậy nhà đầu tư được khuyến nghị nên làm việc với chuyên gia về thuế để tối ưu các khoản thuế phải nộp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/uy-ban-chung-khoan-lay-y-kien-sua-quy-dinh-nop-thue-khi-ban-chung-khoan-20241214090100067.htm