Tham dự Hội nghị có các Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị tổng kết là không gian để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực trao đổi, thẳng thắn đóng góp ý kiến và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc chuyên môn. Đây cũng là nơi xây dựng một môi trường làm việc đầy trách nhiệm, nhiệt huyết và hiệu quả, nơi tinh thần dân chủ được phát huy, các vướng mắc được tháo gỡ và hoạt động của cơ quan được duy trì ổn định. Qua đó, diễn đàn góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của Ủy ban CTQG cũng như Bộ Công Thương.
Trong chương trình Hội nghị tổng kết Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga– Phó Chủ tịch đã thông qua báo cáo tổng kết công tác năm 2024. Ủy ban đã chủ động trong việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác và thay đổi phương pháp, cách thức triển khai công việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể như sau:
– Về quản lý cạnh tranh: UBCTQG đã tăng cường triển khai công tác giám sát cạnh tranh, kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường, cụ thể là tiếp nhận và xử lý gần 200 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Hoạt động điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh được quan tâm đẩy mạnh và đạt kết quả cụ thể: đã xem xét 24 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm: 10 vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, 11 vụ việc về hành vi không lành mạnh và 3 vụ việc về hành vi tập trung kinh tế; đã điều tra 01 vụ việc tập trung kinh tế, 8 vụ việc không lành mạnh.
– Về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: UBCTQG đã chủ động tham mưu Bộ Công Thương nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý đối với loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã chuyển thông tin về 11 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an TP, Hà Nội, Công an tỉnh Nam Định để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời. Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia …
– Về bảo vệ người tiêu dùng: Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khoảng trên 200 hồ sơ và thực hiện giám sát 19 Chương trình thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật đối với nhóm sản phẩm là xe cơ giới (ô tô, xe máy) chiếm đa số… Bên cạnh đó, công tác tư vấn, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng được quan tâm và thực hiện hiệu quả: Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 8.446 cuộc gọi đến, trong đó, các tổng đài viên của Uỷ ban đã tiếp nhận và trả lời 5.536 cuộc gọi, chiếm khoảng 78,7%. Trong số 5.536 cuộc gọi được trả lời, có khoảng 65,5% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 787 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, về công tác tham mưu, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2024, Ủy ban CTQG đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung) và trình cấp có thẩm quyền 02 văn bản quy phạm pháp luật (dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân -Thứ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Ủy ban đã đạt được trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân
Nhằm nâng cao vai trò của cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, để hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, tăng cường công tác điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh năm 2025, được coi là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, công bằng cho các doanh nghiệp và thành phần kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý kinh doanh đa cấp.
Thứ ba, tăng cường thực thi Luật Cạnh tranh để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ tư, tập trung triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản hướng dẫn, đưa luật vào cuộc sống, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn thành viên UBCTQG theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Thứ bảy, chấn chỉnh kỷ luật, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, ý thức chấp hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới phương thức làm việc.
Cuối cùng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương về thực thi luật cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng thông qua trao đổi thông tin, tài liệu và tham vấn; thực hiện nghĩa vụ thành viên các tổ chức quốc tế; ký kết, triển khai MOU hợp tác; đàm phán và thực hiện cam kết liên quan tại các FTA.
Tại Hội nghị, Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban phát biểu tiếp thu của những ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động tìm ra các giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/uy-ban-canh-tranh-quoc-gia-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2024-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-2025.html