Ứng viên Thủ tướng Thái Lan, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat (thứ 4, trái) và các đối tác trong liên minh cầm quyền đạt thỏa thuận thành lập Chính phủ mới, tại Bangkok ngày 18/5/2023.
Ngày 19/6, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã xác nhận tất cả 400 nghị sỹ được bầu ở khu vực bầu cử và 100 nghị sỹ được bầu theo danh sách đảng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, đồng thời bảo lưu quyền điều tra gian lận bầu cử liên quan đến bất kỳ ai trong số họ trong vòng 1 năm.
Theo kết quả bầu cử đã được xác nhận, đảng Tiến bước (MFP) giành được nhiều ghế nghị sỹ nhất tại Hạ viện với 151 ghế, tiếp đó là đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) với 141 ghế, đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) giành 71 ghế, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) giành 40 ghế, đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) chiếm 36 ghế, đảng Dân chủ gồm 25 ghế và đảng Chartthaipattana có 10 ghế.
Tổng Thư ký EC Sawaeng Boonmee cho biết các nghị sỹ mới đắc cử có thể báo cáo tại nghị viện từ ngày 20-24/6.
Ông cũng nói thêm rằng mặc dù EC tán thành các nghị sỹ mới được bầu, nhưng họ bảo lưu quyền điều tra bất kỳ cáo buộc gian lận bầu cử nào trong vòng 1 năm, theo luật bầu cử cho phép.
Trong thời gian này, EC có thể yêu cầu Tòa án Tối cao vô hiệu hóa quyền bầu cử và ứng cử của bất kỳ trường hợp mà EC cho là đã gian lận trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5.
Liên quan tới việc ông Pita Limjaroenrat – lãnh đạo và là ứng cử viên của đảng MFP tranh chức Thủ tướng bị cấm tham gia cuộc bầu cử theo quy định của Hiến pháp do bị cáo buộc nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông, ông Sawaeng cho biết ủy ban điều tra của văn phòng EC vẫn chưa kết thúc cuộc điều tra về trường hợp của ông Pita.
Do đó, EC sẽ dành thời gian để đảm bảo công lý trong các cuộc điều tra của mình.
Theo luật, trong vòng 15 ngày, kể từ khi EC thông qua các nghị sỹ mới, Quốc hội phải triệu tập để bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện.
Quy trình bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới và thành lập chính phủ mới sẽ diễn ra sau đó. Do đó, Quốc hội Thái Lan mới dự kiến được triệu tập vào ngày 3/7 tới./.
Theo TTXVN