Sáng nay 28.12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững.
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trên thế giới, dự báo năm 2023 – 2028, thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15,9%, năm 2023 đạt 6,7 tỉ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỉ USD. Dự báo thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc BVTV hóa học trong năm 2040 – 2050.
Tại Việt Nam, từ năm 2020 – 2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng. Về xuất khẩu, lượng thuốc BVTV sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiếm khoảng 5% so tổng lượng thuốc BVTV xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản…; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%. Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 – 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 – 20% so tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…
Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha năm 2020 xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2022. Các địa phương sử dụng thuốc BVTV sinh học nhiều: Đông Nam bộ (1,49 kg/ha), ĐBSCL (0,79 kg/ha).
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, việc phát triển thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số rào cản như: Hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định; chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại; thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp; sử dụng khó; chi phí sử dụng thuốc cao; thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học của người dân; quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập…
“Cơ quan quản lý cần đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc BVTV sinh học nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến. Cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam; bổ sung quy định đối với một số sản phẩm sinh học mới. Ban hành danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ rủi ro thấp (thuốc vi sinh, pheromones…) được ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục đăng ký; quy định về các trường hợp thuốc BVTV được ưu tiên đăng ký đặc cách; tăng thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10 – 15 năm, thay cho 5 năm hiện nay; bổ sung quy định chỉ cho phép thuốc BVTV sinh học được bán hàng online; đổi mới quy định ghi nhãn thuốc BVTV sinh học…”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng kiến nghị.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt nhận định: “Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hơn thuốc BVTV hóa học và giá thành của thuốc BVTV sinh học cao hơn đúng là rào cản cho việc sử dụng rộng rãi. Về phía Cục BVTV, hiện nay, việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học. Thời gian đăng ký, thời gian khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học chỉ bằng 1/2 so với thuốc BVTV hóa học, chi phí đăng ký cũng giảm một nửa so với BVTV hóa học. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học còn nhiều hạn chế nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của người dân và các bên liên quan chưa đúng về hiệu lực, kỹ thuật sử dụng, hiệu quả kinh tế của thuốc BVTV sinh học”.