Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội):
Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn
Trong thực tiễn thời gian qua, khi triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được định hướng quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, có nhiều nội dung vướng phải các quy định pháp luật, các luật khác có liên quan dẫn đến không mang tính khả thi, mất đi tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai được. Vấn đề này cũng đang là khó khăn, vướng mắc đối với TP Hồ Chí Minh khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 và nguyên nhân là do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể khi triển khai áp dụng.
Khi Luật Thủ đô năm 2012 được thông qua, Bí thư Thành ủy lúc đó, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của Hà Nội là đồng chí Phạm Quang Nghị đã rất kiên quyết, kiên trì bảo vệ điều khoản liên quan đến điều kiện cư trú để làm giảm việc tăng dân số cơ học ở Thủ đô. Đây chính là ưu điểm vượt trội, nhưng sau này Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn gần như xóa sổ điều này trong Luật Thủ đô. Chính từ điều khoản bị vô hiệu này mà mỗi năm Thủ đô tăng thêm dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố. Từ đây, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của Thủ đô.
Tôi thống nhất rất cao nội dung quy định tại Điều 4 về áp dụng Luật Thủ đô tại dự thảo Luật lần này, đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 3. Các nội dung đề cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn đã kéo dài và được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả, thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Khoản 1 Điều 4 áp dụng đối với trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết Quốc hội về cùng một vấn đề mà chưa bao quát hết trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung của Luật Thủ đô hay văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô. Vì vậy, quy định tại khoản 3 Điều 4 là hết sức cần thiết, bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương, là chính quyền TP Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện.
Do đó, không thể tránh khỏi có trường hợp cùng một vấn đề, đồng thời có cả quy định trong các văn bản quy định chi tiết hay thực hiện thẩm quyền Luật Thủ đô giao và quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các bộ chuyên ngành. Trong trường hợp này, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn tỉnh Thanh Hoá)
Áp dụng Luật Thủ đô bảo đảm sự thận trọng, khách quan
Quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 rất quan trọng vì liên quan đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật này trong thực tiễn.
Có thể thấy, với nhiều quy định mang tính đặc thù, tạo cơ chế riêng cho TP Hà Nội thì việc xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, việc áp dụng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, bộ, ngành là hết sức cần thiết.
Theo đó, tôi tán thành với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4 là trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó. Trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thận trọng, khách quan và tính thống nhất trong việc xác định nội dung nào là cần thiết, nội dung nào chưa thực sự cần thiết phải áp dụng trong quá trình xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nếu áp dụng tương tự như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh là giao cho HĐND TP Hà Nội được quyết định sẽ tăng tính chủ động cho địa phương, nhưng lại khó bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính hệ thống và tính minh bạch, đặc biệt đây là luật áp dụng riêng cho thành phố, không phải nghị quyết riêng của Quốc hội hay nghị quyết thí điểm.
Cũng tại Điều 4, khoản 3 quy định văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Tôi cho rằng, với quy định như vậy sẽ giúp triển khai hiệu quả Luật Thủ đô, tránh gặp phải các vướng mắc từng có sau khi Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội.
Tuy nhiên, ở khía cạnh bảo đảm tính hệ thống và thứ bậc hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của Chính phủ, các cơ quan liên quan, các chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện quy định này, bởi vì hiện nay công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được tổ chức bài bản, quy củ hơn nên việc phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định, quyết định, các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các Bộ trưởng thường xuyên được chú trọng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-uu-tien-ap-dung-luat-thu-do-trong-he-thong-phap-luat.html