Mới đây, Ukraine công bố về kế hoạch mới nhằm thúc đẩy việc ủng hộ và triển khai đề xuất “công thức hòa bình” của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky.
Ukraine đang thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế đối với ‘công thức hòa bình’ của Tổng thống nước này Zelensky. (Nguồn: Reuters) |
Cụ thể, RIA News dẫn lời Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, ông Andriy Ermak, cho biết, Kiev đã lên kế hoạch tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh, trong đó, hội nghị đầu tiên sẽ tập trung vào từng điểm của “công thức hòa bình” và hội nghị thứ 2 sẽ thông qua kế hoạch hoàn thiện.
Tuy nhiên, chưa có thông tin về ngày chính xác diễn ra các hội nghị thượng đỉnh này.
Đề cập cuộc họp của hơn 80 phái đoàn về “công thức hòa bình” diễn ra ngày 14/1 ở Davos, Thụy Sỹ, ông Ermak thừa nhận rằng, không có sự thống nhất giữa những người tham gia, tuy nhiên, cuộc họp được đánh giá là thành công.
Theo đó, Kiev phải giải thích cho tất cả các phái đoàn lý do quốc gia Đông Âu coi việc ngồi vào bàn đàm phán với Moscow là không thể chấp nhận được.
Tuyên bố “các quốc gia Nam Bán Cầu đang ngày càng tham gia nhiều hơn” vào việc giải quyết xung đột, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine khẳng định, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đồng minh, Kiev sẽ không bỏ cuộc cho đến khi giành lại các phần lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine.
Mặc dù vậy, cho đến nay khả năng các quốc gia Nam Bán Cầu nhất trí với lập trường trên của Ukraine như một phần của công thức hòa bình vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời quan chức Ukraine cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Ông Ermak nói rõ: “Chúng tôi đã mời và sẽ tiếp tục mời Trung Quốc. Sự hiện diện của họ tại bàn đàm phán rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia trong tương lai vì đây là một quốc gia quan trọng và có ảnh hưởng”.
Một quốc gia khác, Ấn Độ, cũng được các nước tham gia thảo luận về “công thức hòa bình” ở Davos nhắc đến.
Japan Times dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis cho biết, Nga sẽ được đề nghị tham gia các cuộc thảo luận về kế hoạch hòa bình vào một thời điểm nào đó nhưng để đưa được Moscow tham gia vào bàn đàm phán thì sẽ cần tới vai trò trung gian của một số nước.
Theo đó, sự tham gia của các nước Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), bao gồm cả Ấn Độ, là rất quan trọng, vì đây là những nước đang duy trì quan hệ với Nga
Ông Cassis cho hay, Nga hiện không sẵn sàng thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào, nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa cả Moscow và Kiev vào bàn đàm phán, bởi “nếu không đối thoại, không thể đạt được những mục tiêu thỏa đáng”, và lịch sử cho thấy xung đột “không phải là một giải pháp”.
“Công thức hòa bình” được Tổng thống Zelensky đề cập vào giữa tháng 11/2022. Kế hoạch này gồm 10 điểm, trong số đó có việc cung cấp an ninh hạt nhân, lương thực và năng lượng, trao đổi tù nhân theo công thức “tất cả vì tất cả” và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Nga cho rằng, “công thức hòa bình” của ông Zelensky được đưa ra mà không tính đến thực tế hiện nay.