Năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thay vì đến cơ quan thì tôi làm việc tại nhà. Khoảng thời gian ấy tuy khó khăn nhưng vô cùng quý giá vì tôi đã làm bạn được với chính mình. Và trà, đặc biệt là trà Tân Cương (Thái Nguyên) hay còn gọi là trà mạn, đã đồng hành với tôi trong suốt hành trình hiểu về mình.
Ngẫm lại, tôi đến với trà như một chữ duyên. Duyên ở chỗ là tôi biết uống trà từ nhỏ nhưng uống với tâm thế là người ngoài cuộc. Vì có bố mẹ yêu trà nên mỗi khi pha, tôi đều mon men nếm thử. Mãi đến sau này, khi tôi uống trà vì sức khoẻ và muốn tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật trà Việt thì mới chính thức bước chân vào thế giới ấy. Và chính tôi cũng không biết đã yêu trà từ lúc nào.
Tôi thích uống trà do trà có quá nhiều thứ khiến người ta mến mộ. Khi trà vừa có thể xuất hiện ở chốn bình dân hay diện kiến ở những nơi sang trọng. Không những thế, trà có thể uống một mình, hai mình hay ở không gian đông người. Rồi đi qua mỗi vùng miền, trà sẽ có những dư vị riêng biệt nhờ cách pha độc đáo.
Tôi nhận ra, dù thưởng thức trà ở không gian nào, tâm thế nào thì trà vẫn là trà, như những gì vốn có. Với tôi, cách uống trà trọn vẹn nhất là khi người pha tâm tĩnh, người nhận niềm nở.
Trà sẽ chuyển từ vị hơi chát nhẹ nơi đầu môi, rồi ngọt dần nơi cuống họng và ngấm vào lòng người. Vì thế, uống trà không thể vội vã, nếu vội vã thì tâm không tĩnh, không cảm nhận được hết vị ngon của trà.
Ngẫm lại, cuộc đời vốn là sự hữu duyên, có người đến, có người đi và có người ở lại. Giống như trà, chúng ta không thể tìm được ly thứ hai có vị y hệt như từng thưởng thức.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).