Thời gian qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh các tranh luận về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn, một số ý kiến thắc mắc trường hợp uống rượu, bia trước khi lái xe nhưng thổi không lên nồng độ cồn thì có bị xử phạt?
Chỉ xử phạt khi máy đo phát hiện nồng độ cồn
Tối 12.3, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe đối với xe ô tô do một phụ nữ điều khiển, trên xe chở theo chồng chị này.
Khi vừa mở cửa xe, tổ công tác thấy nồng nặc mùi rượu. Nữ tài xế thừa nhận bản thân và chồng đã sử dụng rượu, bia vào chiều cùng ngày. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại cho thấy trong hơi thở của người phụ nữ không có nồng độ cồn.
Một thành viên tổ công tác cho hay, tùy theo cơ địa của từng người, nồng độ cồn trong cơ thể sẽ bị đào thải nhanh hoặc chậm. Đối với trường hợp trên, máy đo không phát hiện nồng độ cồn thì tài xế sẽ không vi phạm, dù bản thân họ thừa nhận đã uống rượu, bia trước đó.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, nhận định việc không xử phạt đối với nữ tài xế vừa nêu trên là hoàn toàn hợp lý.
Về nguyên tắc, nếu xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, CSGT sẽ phải kiểm tra bằng máy đo. Trường hợp máy phát hiện có nồng độ cồn lớn hơn 0, đây sẽ là căn cứ để xác định mức độ vi phạm và lập biên bản vi phạm.
Ngược lại, trường hợp máy cho kết quả bằng 0, đồng nghĩa không có căn cứ để kết luận là tài xế vi phạm nồng độ cồn, dù họ thừa nhận đã uống rượu, bia.
Luật sư nhấn mạnh, căn cứ để xử phạt là kết quả trích xuất từ máy đo, tức thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được kiểm định theo quy định pháp luật, chứ không thể dựa vào lời khai của tài xế. Vì thế, trong trường hợp tài xế khẳng định không uống rượu, bia mà máy đo phát hiện nồng độ cồn thì CSGT vẫn hoàn toàn có căn cứ để xử lý.
Vị luật sư cũng cho rằng, tình huống của nữ tài xế tại Hà Nội có thể do nhiều yếu tố, trong đó cơ thể họ đào thải nồng độ cồn tốt. Tuy nhiên, đây không phải là phổ biến, các tài xế cần tuân thủ nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe, tránh tâm lý chủ quan, may rủi.
Ăn hoa quả, uống siro có bị phạt nồng độ cồn?
Một câu hỏi nữa cũng được nhiều người quan tâm, đó là ăn hoa quả, uống siro… liệu có nồng độ cồn và bị xử phạt hay không?
Giải đáp vấn đề này, đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, Cục CSGT từng chỉ đạo lực lượng tổ chức thực nghiệm tình huống vừa nêu.
Kết quả cho thấy khi ăn các loại hoa quả ngọt (nho, dứa…) thì không phát hiện được nồng độ cồn.
Đối với các loại siro ho, ban đầu cho chỉ số từ 0,6 – 1,2 miligam/l khí thở. Tuy nhiên, người uống chỉ cần chờ từ 2 – 5 phút hoặc uống nước thì chỉ số về 0.
Do vậy, thông tin ăn hoa quả hoặc uống siro mà bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác.
Bên cạnh việc thực nghiệm, Cục CSGT còn quán triệt tới các đơn vị chức năng nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại.
Nếu kết quả thông báo không có nồng độ cồn, CSGT sẽ không xử phạt; ngược lại, nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến về nồng độ cồn do Tuổi trẻ Online tổ chức hôm 4.3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nói rằng các sản phẩm siro chứa nồng độ cồn cần phải ghi rõ trên nhãn mác (về phần trăm, nồng độ cụ thể), đồng thời có cảnh báo tới người dùng, nếu sử dụng thì có ảnh hưởng gì không, ảnh hưởng ra sao.
Vẫn theo bác sĩ, với các sản phẩm có chứa nồng độ cồn, ăn ít sẽ không có nguy cơ nhưng ăn nhiều thì cơ thể sẽ phát sinh nồng độ cồn và dễ gặp phải rắc rối, mất công giải trình.
Do đó, mọi người cần biết sản phẩm ăn uống vào người như thế nào. Phía sản xuất, cung ứng cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin rõ ràng về nồng độ cồn trong sản phẩm là bao nhiêu, có cảnh báo rất rõ ràng.
Cơ quan quản lý tới đây cần làm chặt chẽ, với các sản phẩm có cồn bán cho người dân phải có nhãn mác đầy đủ, cung cấp rõ ràng thông tin về nồng độ cồn bên trong.