Uống rượu trước khi ngủ có thể khiến cơ ở cổ họng giãn ra và chùng xuống, trong khi đường hô hấp trên đóng lại, cản trở lưu thông khí, gây ngáy ngủ.
Ngủ ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ do sự rung động của các mô mềm ở vòm họng khi có luồng không khí đi qua. Âm thanh dao động từ rất nhỏ, hầu như không nghe thấy cho đến tiếng ồn đủ lớn để ảnh hưởng người xung quanh.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây tình trạng khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 57% nam giới và 40% nữ giới. Ngủ ngáy có thể vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe cần điều trị, trong đó có hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tiếng ngáy càng to, mức độ hẹp đường thở càng lớn.
Rượu bia có tác động tiêu cực đến chứng ngủ ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ. Theo bác sĩ Ngân, ngoài góp phần làm tăng chỉ số khối cơ thể – một trong những yếu tố nguy cơ gây ngủ ngáy, uống rượu bia khiến nhịp thở chậm hơn, hơi thở nông hơn, làm giảm khả năng thở. Các chất độc hại từ rượu bia làm rối loạn và ức chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, khiến cơ vùng cổ họng bị giãn ra so với mức bình thường. Mô và cơ xung quanh cổ họng giãn ra hoàn toàn, sẽ chùng xuống làm cho đường dẫn khí vốn đã hẹp rồi sẽ hẹp thêm, gây cản trở lưu thông dòng khí ra vào hầu họng. Điều này có thể gây rung các mô mềm khi có luồng khí đi qua, dẫn đến ngáy ngủ.
Nghiên cứu hồi cứu dựa trên 21 bài báo cáo khoa học từ năm 1985-2015 của Đại học Nottingham (Anh) đăng trên thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ lên tới 25%. Thói quen này cũng làm tăng chỉ số ngưng thở (thước đo số lần thở trong mỗi giờ khi ngủ) của một người, làm giảm nồng độ oxy trong máu. Ngoài ra, quá trình chuyển hóa ethanol có thể gây rối loạn điều hòa nhịp sinh học, tăng hưng phấn sinh lý, làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ.
Ngủ ngáy không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, giảm hiệu suất công việc, buồn ngủ ban ngày, có nguy cơ gặp tai nạn khi đang lái xe hoặc làm việc. Nếu ngủ ngáy liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh có nguy cơ cao bị trầm cảm, tiểu đường, tăng huyết áp, đau ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim,… thậm chí đột tử ngay trong đêm.
Bác sĩ Ngân khuyên, để cải thiện tình trạng ngủ ngáy, người bệnh nên bỏ uống rượu bia hoặc tránh uống rượu bia ít nhất 3 giờ trước khi ngủ; chọn tư thế nằm ngủ nghiêng về một bên hoặc kê gối cao, tránh ăn quá no và sát giờ đi ngủ, ngủ đủ giấc, tập thể dục duy trì cân nặng hợp lý, uống nhiều nước cũng là cách khắc phục hiệu quả.
Nếu tình trạng ngủ ngáy nặng như ngáy to hoặc kèm theo tiếng thở hổn hển, nghẹt thở; giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn; mất tập trung, nhức đầu vào buổi sáng, người bệnh nên đi khám bác sĩ để kiểm tra có bị chứng ngưng thở khi ngủ hay không. Thực tế có đến 75% người ngủ ngáy mắc hội chứng này, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ được phát hiện và điều trị.
Bác sĩ Ngân cho biết, máy đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ và máy thở áp lực dương liên tục (auto CPAP) là những phương tiện tiên tiến giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngủ ngáy và điều trị chứng ngủ ngáy ngay tại nhà hiệu quả. Trường hợp ngủ ngáy do bệnh lý mũi họng, người bệnh cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để đạt hiệu quả và cải thiện tốt triệu chứng ngủ ngáy.
Trịnh Mai