Bác sĩ Nguyễn Kim Ngân, đơn vị điều trị – chăm sóc da và làm đẹp Bệnh viện Y học cổ truyền TP. HCM, cho biết trái dừa có nhiều công dụng, có thể sử dụng được hầu hết mọi thành phần trong trái dừa như cơm dừa, nước dừa, vỏ dừa… Trái dừa thậm chí có thể dùng để chữa bệnh.
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất
Theo bác sĩ Kim Ngân, một cốc nước dừa tươi cung cấp khoảng 9% đường tự nhiên, thường có ít hoặc không có chất béo trong nước dừa.
Nước dừa chứa một lượng nhỏ protein. Nước dừa cũng chứa vitamin C, các vitamin nhóm B, khoáng chất như kali, mangan, magie, canxi, sắt, kali, phốt pho, kẽm và đồng.
Vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên nước dừa có thể dùng để bổ sung điện giải sau khi cơ thể bị mất nước như sau khi đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy, nôn ói nhiều… nhưng chỉ dùng tạm thời chứ không nên lạm dụng.
Không nên thay thế nước lọc bằng nước dừa vì nếu uống nước dừa quá nhiều có thể bổ sung quá mức các vitamin và khoáng chất cũng như tăng lượng đường nạp vào cơ thể.
Nước dừa chứa nhiều chất chống oxy hóa, nói một cách dễ hiểu hơn là chất làm cơ thể tươi trẻ lâu hơn, da đẹp hơn, chống lại được các tác nhân gây hại được sinh ra trong cơ thể người.
Nước dừa có tác dụng làm ổn định đường huyết và huyết áp, giảm nguy cơ mỡ máu và sỏi thận. Hàm lượng kali trong nước dừa có thể gây phiền toái cho tim mạch khi sử dụng nhiều.
Theo y học cổ truyền, nước dừa có tính mát, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng. Lượng nước dừa có thể sử dụng phù hợp là 2-3 trái/tuần. Ai hay bị đau bụng, sôi bụng, tiêu phân lỏng, lạnh tay chân thì không nên uống nước dừa nhiều.
Trái dừa gồm nước dừa và cơm dừa, nếu đói bụng có thể uống nước dừa và ăn cơm dừa để bổ sung năng lượng. Tuy nhiên, điều này không đủ thay thế cho bữa ăn chính.
Ngăn ngừa lão hóa da
Dầu dừa là một trong những thành phần rất tốt của trái dừa khi lấy phần cơm dừa mang đi ép lấy dầu.
Trái với nước dừa, trong dầu dừa có rất nhiều các chất béo bão hòa nên có rất nhiều năng lượng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận rằng việc tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có mối liên hệ mật thiết đến tình trạng tăng cholesterol trong máu, nguy cơ cao bị mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng cân…
Do đó, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo rằng nên sử dụng các chất béo chưa bão hòa trong chế độ ăn uống hằng ngày thay thế cho các chất béo bão hòa.
Có thể bổ sung các chất béo không bão hòa từ những loại thực phẩm như bơ, các loại hạt, quả hạch và cá có dầu, cũng như trong các loại dầu như hạt cải dầu và dầu ô liu.
Dầu dừa rất giàu vitamin A, E, các axit béo, đặc biệt là axit lauric và axit phenolic. Các thành phần này giúp dầu dừa hiệu quả trong việc cấp nước, làm dịu, kháng viêm và làm săn chắc da.
Sự kết hợp của các chất béo tự nhiên, hữu ích trong dầu dừa có thể cải thiện chức năng, sửa chữa hàng rào bảo vệ da và ngăn ngừa lão hóa da.
Dầu dừa dưỡng da rất tốt, phù hợp với tình trạng da khô, bong tróc hơn là da dầu, da mụn. Cơ địa da dầu dùng dầu dừa nhiều, đắp trên da lâu sẽ có thể nổi mụn nhiều hơn.
Nên sử dụng dầu dừa đúng tình trạng da và liều lượng hợp lý, sau đó nên chú ý rửa sạch để không gây bí tắc da.
Việc thanh lọc cơ thể dùng nước dừa có được trích dẫn trong thực dưỡng, nhưng có ghi rõ khi thanh lọc cơ thể, giảm cân bằng cách nhịn ăn thì nên ít vận động, không sử dụng năng lượng nhiều, chỉ nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ, đọc sách, và chỉ kéo dài trong rất ít ngày.
Người chọn phương pháp thanh lọc cơ thể không nên quá ốm yếu, suy dinh dưỡng, không thích hợp với trẻ em, thai phụ và người cao tuổi.