Tôi mắc bệnh tiểu đường type 2, kiểm soát đường huyết bằng thuốc, nghe nhiều người bảo uống trà lá ổi giúp chữa bệnh này. Nhờ bác sĩ tư vấn. (Hồng Ánh, Đồng Nai)
Trả lời:
Thực vật là nguồn nguyên liệu tự nhiên có thể sử dụng trong y học. Từ thời xưa, một số bệnh đã được chữa khỏi bằng nhiều loại chế phẩm từ thực vật, trong đó có cây ổi. Lá của loại cây này chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao.
Cây ổi được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Nam Mỹ. Các bộ phận khác nhau của cây ổi như rễ, lá, vỏ, thân đã được nhiều nơi dùng để hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày, tiểu đường, tiêu chảy, béo phì…
Lá cây ổi có lợi cho sức khỏe do chứa nhiều hợp chất quercetin, avicularin, hyperin, axit axetic… có khả năng ngăn ngừa ung thư, kiểm soát đường huyết, chống oxy hóa, chống tiêu chảy, kháng khuẩn, hạ mỡ máu, bảo vệ gan.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy lá ổi có thể cải thiện đường huyết. Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học quốc gia (Mỹ), năm 2018, cho thấy hợp chất flavonoid và polysaccharides của lá ổi có liên quan đến cải thiện chức năng tế bào β tuyến tụy của chuột bị tiểu đường, làm tăng sản xuất insulin.
Trong nghiên cứu này các nhà khoa học nhận thấy trà lá ổi còn giàu chất ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase giúp giảm hấp thụ glucose sau bữa ăn, giảm lượng đường trong máu và stress oxy hóa. Chúng còn ức chế các protein gây viêm nên chuột mắc bệnh tiểu đường bớt viêm nhiễm.
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu trên chuột, chưa được chứng minh trên cơ thể người. Do đó chưa thể chắc chắn người bệnh tiểu đường có thể điều trị bệnh bằng lá ổi, trà lá ổi. Sử dụng lá ổi lâu dài có phản ứng phụ nguy hiểm nào hay không vẫn cần được làm rõ.
Người bệnh nên tuân thủ các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định. Không tự điều trị với phương pháp chưa được chứng minh rõ về tính hiệu quả và an toàn.
Tự điều trị tiểu đường mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm do kiểm soát đường huyết không tốt như biến chứng về thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, mắc bệnh về tim mạch, mắt, phổi, bàn chân tiểu đường, nhiễm trùng nặng…
Với những thuốc điều trị tiểu đường đã được nghiên cứu và kiểm định, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị rõ ràng. Nhờ đó người bệnh dễ dàng theo dõi tình trạng bệnh và có biện pháp phòng biến chứng hiệu quả.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |