Người khuyết tật thường đối mặt với những định kiến xã hội vô hình, nhưng chàng trai khiếm thị Hoàng Nhật Minh đến từ TP. Hồ Chí Minh đã vượt lên tất cả.
Hành trình của anh không chỉ là câu chuyện về thành công trong học tập, mà còn là sứ mệnh xây dựng một xã hội hòa nhập, nơi người khuyết tật không chỉ nhận hỗ trợ mà còn tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Hoàng Nhật Minh tốt nghiệp Đại học RMIT. (Ảnh: NVCC) |
Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Nhật Minh theo học tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu dành cho học sinh khiếm thị. Người luôn ủng hộ anh trên từng bước đường chính là mẹ.
Bà đã truyền cho anh niềm tin rằng giáo dục đại học luôn nằm trong tầm với của anh.
Tại ngôi trường đặc biệt này, Minh được truyền cảm hứng bởi hai người bạn là Nguyễn Tuấn Tú và Nguyễn Thành Vinh – những người đã xuất sắc giành được học bổng trường quốc tế danh giá. Thành công của họ đã thắp lên trong anh ước mơ chinh phục học bổng cho riêng mình.
Vượt qua định kiến xã hội
Sau khi tốt nghiệp trung học, Minh nộp hồ sơ vào 5 trường đại học nhưng có đến 4 trường từ chối. Các trường này cho rằng một sinh viên khiếm thị sẽ khó thành công ở những ngành học đòi hỏi tính sáng tạo cao như ngôn ngữ hay truyền thông.
Riêng Đại học RMIT Việt Nam đã thấy tiềm năng của Minh và quyết định trao cho anh một suất học bổng toàn phần để theo học ngành Truyền thông chuyên nghiệp.
Minh bồi hồi chia sẻ: “Khoảnh khắc nhận học bổng ‘Chắp cánh ước mơ’ của RMIT là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời tôi”. Học bổng này không chỉ giúp anh tiếp cận với nền giáo dục chuẩn quốc tế, mà còn có cơ hội chứng minh rằng người khuyết tật hoàn toàn có thể thành công trong môi trường giáo dục đại học.
Ngành mà Minh chọn học tại RMIT là một ngành học yêu cầu kỹ năng thực hành như quay phim và chụp ảnh, các kỹ năng mà nhiều người có thể nghĩ rằng một người khiếm thị không thể thực hiện được.
Nhưng nhờ sự động viên từ thầy cô và bạn bè, cùng với sự hỗ trợ của Bộ phận Giáo dục công bằng và tiếp cận tại RMIT, anh đã biến những nghi ngờ bản thân thành sự tự tin.
Dù việc học đầy thách thức, vượt qua định kiến xã hội thậm chí còn khó hơn. Khi giành được học bổng, ngoài mẹ không ai tin rằng anh có thể làm được điều đó. Chính niềm tin của mẹ đã trở thành ngọn hải đăng soi sáng, giúp anh vượt qua mọi khó khăn.
Hoàng Nhật Minh chia sẻ tại lễ trao học bổng chính phủ Australia. (Nguồn: Aus4Skills – Australia Awards Vietnam) |
Sau khi tốt nghiệp RMIT, Minh đảm nhận vai trò chuyên viên phụ trách Phát triển trẻ em và Giáo dục đặc biệt tại tổ chức Saigon Children’s Charity. Tại đây, anh phụ trách các dự án về an toàn mạng và quản lý các kênh truyền thông của chương trình Giáo dục đặc biệt.
Bên cạnh công việc tại Saigon Children’s Charity, Minh còn đảm nhận vai trò cố vấn cho học viên tại Nhất Tâm Unison chuyên dạy nghề cho các bạn trẻ tự kỷ, đồng thời dạy Aikido cho học sinh mắc hội chứng Down tại tổ chức PEAWIL.
Minh vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Đại học RMIT với vai trò diễn giả khách mời cho các khóa học Global Careers và cố vấn cho cuộc thi thiết kế Accessibility Design Competition của RMIT từ năm 2022 đến 2024.
Với hậu thuẫn vững chắc từ gia đình, anh tin rằng công việc không chỉ là một cách kiếm sống mà còn là cách để anh đền đáp cho xã hội.
Mở ra chân trời những ước mơ lớn lao
Với quyết tâm vượt qua giới hạn của bản thân, Hoàng Nhật Minh đã nộp đơn ứng tuyển học bổng chính phủ Australia – một trong những học bổng danh giá và cạnh tranh nhất.
Hành trình chinh phục học bổng kéo dài suốt 3 năm, với 2 lần bị từ chối, nhưng Minh không bỏ cuộc. Thay vào đó, Minh không ngừng hoàn thiện hồ sơ, học hỏi từ thất bại và trở lại mạnh mẽ hơn sau mỗi lần thử sức.
Ở lần thử thứ ba, Minh đã thành công và chính thức trở thành chủ nhân của học bổng chính phủ Australia. Anh đặc biệt ấn tượng với hướng tiếp cận lấy con người làm trọng tâm của chương trình. Theo đó, sinh viên khuyết tật được phép mang theo một người hỗ trợ trong suốt thời gian học.
“Học bổng chính phủ Australia không chỉ là cơ hội học tập, mà còn là cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu”, Minh chia sẻ.
Năm nay, Minh sẽ bắt đầu chương trình Thạc sĩ Giáo dục tại Đại học Flinders (Australia), tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm Giáo dục đặc biệt và Hòa nhập, Tư vấn học đường và Quản lý giáo dục.
Anh kỳ vọng sẽ dùng những kiến thức này thúc đẩy cải cách chính sách giáo dục hòa nhập tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, anh dự định sẽ dành ra 2 đến 4 năm làm việc tại Singapore hoặc Malaysia, những quốc gia nổi tiếng với hệ thống giáo dục hòa nhập tiên tiến.
Chàng trai khiếm thị cũng hy vọng sẽ học hỏi được từ các mô hình giáo dục hòa nhập hiện đại và tạo dựng được mối quan hệ với các chuyên gia toàn cầu trong lĩnh vực này.
Minh mơ ước xây dựng một xã hội hòa nhập hơn, nơi mọi người đều được trao quyền để phát huy hết tiềm năng của họ. (Ảnh: NVCC) |
Tầm nhìn dài hạn của Minh là trở về Việt Nam và thành lập một “Vòng tròn hỗ trợ” dành cho người khuyết tật, tập trung vào các nguồn hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và xã hội.
Mục tiêu là phát triển các chương trình giáo dục hòa nhập và triển khai mô hình “Kế hoạch học tập cá nhân” cho sinh viên khuyết tật tại các trường đại học Việt Nam.
Với anh, suất học bổng này không chỉ là sự hỗ trợ về mặt tài chính, mà còn là cánh cửa mở ra chân trời những ước mơ lớn lao mà anh chưa từng nghĩ tới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/uoc-mo-ve-mot-xa-hoi-hoa-nhap-cua-chang-trai-khiem-thi-299475.html