“Bao ngon”, “bao no” là lời nhiều thực khách nhận xét khi ghé quán bún thịt nướng của anh Nguyễn Tấn Tài (26 tuổi) ở đường Nguyễn Công Trứ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Gọi là quán nhưng chỉ có vài bộ bàn ghế, cây dù, chiếc bếp nướng nhỏ… chỉ có vậy nhưng là “điểm tựa” của anh Tài hiện nay.
Từng miếng thịt được nướng chín đều, hấp dẫn |
dương lan |
Chiếc bếp nướng đỏ lửa, từng miếng thịt được anh nướng chín đều, thơm phức. Cạnh bên, chả giò chiên ngập trong dầu vàng ươm, giòn rụm. Thực khách đến ăn, gọi thêm bún, thêm rau, thêm nước mắm anh thoải mái đáp ứng. Cứ chiều tối khách ghé quán ăn trực tiếp và mua mang về rất đông. Anh cùng ba dượng, bà cô họ hàng mỗi người một việc, nhanh tay làm từng phần bún để khách không đợi lâu.
Bán bún phụ mẹ trả nợ
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tài cho biết, anh bán bún được 6 năm nay. Anh là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Anh là người bán chính, 2 anh chị ở nhà phụ chuẩn bị nguyên liệu.
Anh Tài tự ra đứng bán cách đây 6 năm |
dương lan |
Anh Tài nghỉ học từ năm lớp 7. Trước khi tự bán bún như hiện tại, anh thường xuyên phụ mẹ bán hàng từ nướng thịt, chiên chả giò… Mẹ anh bán bún đã hơn 25 năm, mọi bí quyết anh được mẹ chỉ dạy, anh học theo, tiếp nối với hàng bún thịt nướng.
“Hồi trước học không nổi nên tôi xin nghỉ sớm, ở nhà phụ mẹ bán bún. Năm 2016, vì nhiều lí do, mẹ mắc nợ nhiều. Không cáng nổi nên mẹ bỏ đi, tôi thấy vậy nên ra bán cho mẹ. Đến giờ vẫn chưa hết nợ, bán bún được ít tiền cứ trả nhỏ nhỏ. Sau ít tháng thì mẹ về, giờ đang bán chè ở gần đây”, anh cho biết.
Anh Tài cho biết, thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khách biết hàng bún thịt nướng do mẹ truyền bí quyết nên đến ủng hộ.
Thịt nướng đến đâu bán đến đó |
dương lan |
“Mẹ không có tiền nên mới bỏ đi. Mới đầu ra đây bán, người ta ra đây quậy nhiều lắm, có người không cho tôi bán luôn. Tôi từ từ nói chuyện với họ, xin trả nhỏ từ từ. Tôi cũng xác định có khách thì bán tiếp, không được thì nghỉ đợi mẹ về. May mắn, mọi người cũng ủng hộ vì mẹ bán lâu rồi, biết tôi là con của mẹ”, anh chia sẻ.
Một phần đầy đủ có rau, đồ chua, thịt nướng, chả giò có giá 40.000 đồng |
dương lan |
Bún thịt nướng “bao no, bao ngon”
Hơn 5 giờ chiều, anh Tài lấy điện thoại gọi mối bún giao thêm hàng. Anh nói, anh lấy mỗi ngày hai bịch, nay hết sớm nên gọi thêm. Anh bán từ 2 rưỡi chiều, hết thì nghỉ. Mỗi phần bún đầy đủ có giá 40.000 đồng, khách muốn ăn phần 30.000 đồng, 20.000 đồng anh cũng vui vẻ làm, giá bao nhiêu cũng bán.
Bà cô họ hàng cùng phụ anh Tài nướng thịt |
dương lan |
“Cho 2 phần bún không đồ chua, cho thêm rau với ít bún nha!”, một thực khách dừng xe hỏi mua. Anh cười tươi, thoải mái lấy thêm bún, thêm rau nhưng không tính thêm tiền.
“Mẹ tôi truyền lại hết từ ướp thịt, làm nước chấm. Khách ăn nhiều bún, tôi không tính tiền thêm. Bởi vậy có ngày bán được 30 – 35kg bún nhưng có ngày bán tới 45kg. Bán vậy bao no, bao ngon cho khách. Tôi bán từ chiều đến tối vì buổi sáng phải dọn hàng, ướp thịt, chuẩn bị nhiều công đoạn lắm”, anh cho hay.
Khách đến ăn có thể gọi thêm rau, thêm bún thoải mái |
dương lan |
Chiều tối muộn, tôi gọi một phần bún thịt nướng. Thịt chín mềm, không bị khô, chả giò giòn rụm ăn kèm với đồ chua, rau sống vừa miệng.
Anh Tài bán từ 2 giờ rưỡi chiều đến tối khi hết hàng |
dương lan |
“Giờ tôi bán đủ sống qua ngày, niềm vui chắc chưa có đâu vì giờ làm bao nhiêu cũng phải dành trả nợ phụ mẹ đã. Tôi mong khách ủng hộ lâu dài để có tiền trang trải là được rồi, ước mơ giàu có xa vời lắm, chắc không thực hiện được”, anh nói giọng đượm buồn.
Ông Thanh Bình (48 tuổi, ở Q.7) đi thăm người bác và tiện đường ghé vào ăn thử món bún thịt nướng. “Tôi thấy ngon, lần đầu tiên ăn bún ở đây thấy ngon hơn các hàng khác. Lúc đầu không tính ăn bún đâu nhưng đi qua thấy họ nướng hấp dẫn quá, vào ăn thấy ngon thiệt”, ông nói.
Ông Bình khen ngon khi lần đầu ăn món bún thịt nướng của anh Tài |
dương lan |
Chị Nguyễn Diễm Quỳnh (27 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) là khách quen của quán bún anh Tài. Chị ghé mua 2 phần để vợ chồng cùng ăn bữa tối. “Tôi ăn ở đây miết, thấy dễ ăn, vừa miệng lắm. Chồng tôi ăn nhiều hơn nên tôi nhắc anh chủ thêm nhiều bún, nhiều rau, lần nào anh cũng cho thêm, không tính tiền”.