Ngân hàng UOB vừa đưa ra dự báo đà phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ là những yếu tố giúp VND có khả năng phục hồi nhẹ trong năm 2024.
Các cơ quan quản lý đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh qua đó làm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để ngân hàng đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế – Ảnh: Lê Toàn |
Cặp tỷ giá USD/VND giao dịch lên mức cao mới 24.700 đồng/USD vào cuối tháng 2/2024 cùng với sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á.
Các nhà kinh tế của UOB nhận định, VND thường có cùng xu hướng phục hồi đồng thời với đồng CNY khi thời gian qua họ nhận thấy đồng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục phục hồi.
Đồng thời, sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) vào tháng 6 tới đây sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VND, UOB nhận định.
UOB cho rằng VND có khả năng phục hồi nhẹ, dự báo USD/VND sẽ ở mức 24.400 đồng/USD trong quý II năm nay, sau đó sẽ lùi xuống mức 24.200 đồng/USD trong quý III và về mức 24.000 trong quý IV năm 2024.
Theo đó, ngân hàng Singapore này dự báo trong trung hạn USD/VND sẽ ở mức 23.800 đồng/USD.
Sự ổn định của VND còn được nhận định là do tốc độ phục hồi của kinh tế hai tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tích cực hơn cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 2 giảm mạnh, trong đó tháng 2, xuất khẩu giảm 5% so với cùng kỳ và sản xuất công nghiệp giảm 6,8% so với cùng kỳ, so với mức tăng lần lượt 42% và 18,3% trong tháng 1.
Sự sụt giảm mạnh phần lớn là do Tết cổ truyền rơi vào tháng 2 năm nay. Để so sánh một cách chính xác hơn, dữ liệu tổng hợp từ tháng 1 đến tháng 2 cho thấy xuất khẩu tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với mức trung bình -2,2% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2023.
Điểm đáng chú ý, trong tháng 1 và tháng 2 năm 2024 chỉ số nhà quản lý mua hàng PMI đều tăng trên mức 50 điểm sau 4 tháng cuối năm ngoái chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 và thời điểm tháng 1 và 2 năm ngoái ở mức bình quân 49,3 điểm.
Những dữ liệu này cho thấy động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực và chúng tôi kỳ vọng tốc độ này sẽ duy trì, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024 khi sự phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn.
Trong khi rủi ro từ các sự kiện bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế toàn cầu (bao gồm xung đột ở Đông Âu và Trung Đông), triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng có lợi cho Việt Nam và ASEAN.
Theo đó, UOB dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam sẽ đạt 5,5% so với mức tăng 3,3 cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng này cũng lý giải mức tăng trưởng GDP này chưa đạt như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam do có tháng 2 năm nay rơi vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền của Việt Nam.
Tuy vậy, trên tổng thể các nhà kinh tế của ngân hàng UOB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%.
“Với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% như hiện nay.
Chúng tôi dự đoán áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, với dự báo CPI toàn phần sẽ tăng lên mức 3,8% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023”, báo cáo kinh tế của UOB có đoạn viết.