Hơn 10 triệu học sinh ở Bangladesh sẽ được hỗ trợ sử dụng công nghệ số một cách đúng đắn và có trách nhiệm thông qua một chương trình hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Sáng kiến mới của UNICEF sẽ mang lại lợi ích cho hơn 10 triệu học sinh Bangladesh. (Nguồn: UNICEF) |
Theo một sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác giữa UNICEF, nhà điều hành viễn thông Grameenphone của Bangladesh và công ty viễn thông Telenor của Na Uy, trẻ em, thanh thiếu niên ở Bangladesh sẽ được trang bị các kỹ năng cốt yếu về công nghệ số, cũng như nâng cao nhận thức về sử dụng công nghệ số an toàn, có đạo đức và trách nhiệm.
Trong hành trình giáo dục kỹ thuật số, UNICEF cho biết, sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích cho hơn 10 triệu học sinh, trong đó có 4,2 triệu học sinh lớp 8 và lớp 9. Dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ 1 triệu trẻ em dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ khuyết tật.
Ngoài ra, khoảng 6 triệu học sinh từ lớp 8 đến lớp 10 sẽ được tham gia nhiều buổi học về an toàn trực tuyến và kiến thức kỹ thuật số.
Dự án cũng sẽ thu hút 25.000 giáo viên, 2 triệu người giám hộ và phụ huynh với thông điệp về tầm quan trọng của an toàn trực tuyến để mở rộng kiến thức của họ ra cộng đồng.
Đại diện UNICEF tại Bangladesh, ông Sheldon Yett khẳng định, “Internet mang lại nhiều cơ hội giáo dục và phát triển cho trẻ em” song điều quan trọng là “phải trang bị hiểu biết về công nghệ số và an toàn trực tuyến để bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại và các mối đe dọa trực tuyến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Từ năm 2019, UNICEF đã hợp tác với Grameenphone và Telenor trong chương trình hợp tác toàn cầu của Telenor. Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức của trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc về các phương pháp sử dụng Internet an toàn và giảm thiểu rủi ro trực tuyến, thu hút thanh thiếu niên trở thành những người có ảnh hưởng về lĩnh vực công nghệ số trong cộng đồng.