Nghệ sĩ, người nổi tiếng trước áp lực dư luận
Câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng bị kêu gọi tẩy chay, công kích không còn lạ trong làng giải trí Việt và các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ở góc độ tích cực, sự xuất hiện của anti-fan giúp nghệ sĩ và các nhân tố trong giới giải trí nhận ra khuyết điểm của mình để hoàn thiện bản thân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Việc này cũng giúp làng giải trí “thanh lọc” những chiêu trò trong showbiz.
Chu Thanh Huyền và Quang Hải trong một sự kiện.
Tuy nhiên, trang Sina cho rằng, đôi khi suy nghĩ mù quáng khiến người hâm mộ vô tình trở thành kẻ bắt nạt, lạm dụng quyền lực fan tạo ra hành vi tấn công tiêu cực, gây tổn thương tâm lý.
Sự thái quá của anti-fan còn đẩy nghệ sĩ rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí sẵn sàng từ bỏ tính mạng.
Gần đây nhất, thông tin hot girl Chu Thanh Huyền – bạn gái cầu thủ Quang Hải nhập viện trong tình trạng nguy kịch là minh chứng rõ nhất cho điều này. Chị Gia Hân (chị gái của Chu Thanh Huyền) cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc Thanh Huyền tự tử là do áp lực trong thời gian dài vì những đồn thổi vô căn cứ của cộng đồng mạng.
Theo tìm hiểu, khoảng 16h ngày 6/7, Thanh Huyền đã uống 10 vỉ thuốc ngủ (80 viên) để tự vẫn. May mắn, gia đình của hot girl sinh năm 1994 đã kịp đưa cô vào viện cấp cứu, cô đã qua cơn nguy kịch.
Gần đây, sau đăng quang, tân Miss World Vietnam (Hoa hậu Thế giới Việt Nam) 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi liên tục trở thành tâm điểm chỉ trích vì những phát ngôn của mình.
Mặc dù ban tổ chức (BTC) cuộc thi và nàng hậu đã hai lần lên tiếng xin lỗi vì những phát ngôn của mình, nhưng làn sóng chỉ trích cô vẫn không giảm đi, thậm chí đang có xu hướng trở thành “bạo lực mạng”.
Dưới các bài đăng của trang chủ Miss World Vietnam, Ý Nhi nhận nhiều lời chê bai, công kích ngoại hình.
Hiện, hàng chục hội nhóm tẩy chay (anti) cô trên Facebook được lập ra, không ngừng tăng số lượng thành viên. Đỉnh điểm, có nhóm lên hơn 300.000 người tham gia.
Trong các hội nhóm này, các tài khoản liên tục đăng tải các bài viết chỉ trích nhất cử nhất động của tân hoa hậu. Từ việc cô lên tiếng xin lỗi, đi làm từ thiện cũng bị cho là giả tạo, “tẩy trắng” cho bản thân. Dưới phần bình luận của những bài viết đó là hàng loạt ý kiến chê bai, mỉa mai từ ngoại hình đến tính cách của hoa hậu.
Không chỉ trong các hội nhóm, anti-fan còn tràn vào trang chủ của Miss World Vietnam, để lại nhiều bình luận gay gắt, chê bai ngoại hình, đòi truất ngôi vị vì cho rằng cô không xứng đáng với danh hiệu.
Trước Ý Nhi, Đoàn Thiên Ân, Bảo Ngọc, Hương Giang… là những nàng hậu Việt từng bị anti-fan công kích, lập nhóm tẩy chay trên mạng xã hội.
Cụ thể, hoa hậu Bảo Ngọc bị chỉ trích của công chúng vì được cho là lấn lướt hoa hậu Mai Phương, chọn váy áo lộng lẫy hơn để mặc khi “final walk” (những bước trình diễn cuối cùng ở vị trí đương nhiệm) trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023.
Còn hoa hậu Đoàn Thiên Ân bị đăng tải những hình ảnh cá nhân, kèm theo vô số lời chê bai, chỉ trích về ngoại hình trong các hội nhóm anti.
Lập nhóm anti người nổi tiếng có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc lập ra các hội nhóm anti người nổi tiếng, nghệ sĩ để đưa ra những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 29/7, hoa hậu Ý Nhi khóc nức nở và xin lỗi về những phát ngôn gây tranh cãi về bản thân và bạn trai sau đăng quang.
Luật sư Tiền phân tích, căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, trường hợp người đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có dấu hiệu hình sự và gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hành vi.
Trong đó, nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 1-3 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự).
Theo đó, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác mà sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo đó, những người có hành vi trên có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội.
Luật sư Tiền cho rằng, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực mạng, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý các thông tin trên mạng xã hội.
Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý những phát ngôn, thông tin xấu, độc, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động, thông tin tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội.
“Đối với người sử dụng mạng xã hội, cần biết cách chọn lọc và sử dụng thông tin, có cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định pháp luật; đồng thời không nên cung cấp, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật.
Về phía người nổi tiếng, nếu có gặp lùm xùm, dù lớn hay nhỏ thì bản thân họ là người chịu thiệt lớn nhất vì khán giả quay lưng, nghiêm trọng hơn còn ảnh hưởng đến hình ảnh của một đất nước.
Chính vì thế, đứng ở vị trí là người của công chúng, những ngôi sao, người nổi tiếng cần phải cẩn trọng trong các hoạt động, lời ăn tiếng nói trước đám đông, ống kính máy quay cho đúng chuẩn mực”, luật sư Tiền bày tỏ.
Ở góc độ truyền thông, chuyên gia Hằng Nguyễn cho rằng, với các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là hoa hậu mới đăng quang, kỹ năng giao tiếp với truyền thông vẫn còn hạn chế.
“Trong khi đó, việc ứng xử trước truyền thông chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, thậm chí còn dễ bị lỡ miệng. Ngay cả nghệ sĩ “già dơ” trong showbiz cũng khó tránh khỏi sự cố này nếu họ gặp một câu hỏi khó.
“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”. Với Ý Nhi, hành trình của cô ấy còn dài phía trước. Tôi tin rằng, sau sự việc lần này, hoa hậu và ê kíp của cô ấy đã có bài học kinh nghiệm cho mình”, bà Hằng bày tỏ.