Bên cạnh những giá trị văn hóa của Tết truyền thống được gìn giữ, những yếu tố mới xuất hiện. Ứng xử với Tết thời hiện đại như thế nào và làm thế nào để có được một cái Tết vui vẻ, đầm ấm và không áp lực?
Những cuộc tranh luận về các giá trị cũ – mới vẫn đang tiếp tục được khơi lên mỗi khi Tết đến, Xuân về. Nói đến Tết, không ít người nói về chuyện “sợ”… Tết, nhưng cũng không ít người vẫn… “thích” Tết. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi. Người Việt có vẻ đang hướng đến việc định hình những phương thức ăn Tết mới, thích hợp với điều kiện của xã hội hiện đại…
Tết cổ truyền có thực sự “đáng sợ” hay chỉ do cách chúng ta nhìn nhận, ứng xử, thể hiện? Ứng với Tết như thế nào để chúng ta có được những ngày Tết cổ truyền vẫn đậm vị văn hóa, vẫn là nếp nhà, nếp dân tộc thiêng liêng nhưng không áp lực, khiến người ta “sợ” Tết? Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã có những chia sẻ với NB&CL xung quanh vấn đề này.
+ Vào mỗi dịp Tết, chúng ta lại thấy nhiều lời than thở “mệt vì Tết”, “nhà bao việc lại Tết”… Phải chăng Tết thời hiện đại mang đến cho chúng ta quá nhiều áp lực, thưa ông?
– Tết là thời điểm rất đặc biệt, do đó áp lực Tết là có thật và đến từ nhiều phía. Áp lực của Tết là chuyện muôn đời rồi. Thời xưa, người ta lo Tết trước cả năm mà nhiều khi cũng không lo được. Tết xưa là những cái Tết thiếu trước, hụt sau, cái gì cũng khó. Nhưng thời chiến tranh và nghèo đói có áp lực thời đó và bây giờ có áp lực của bây giờ, tương lai sẽ có áp lực của tương lai. Suy rộng ra không có việc gì mà lại không có áp lực. Bây giờ nghèo mấy thì ai cũng có thể có một cái Tết mà không quá thiếu thốn về vật chất. Nhưng áp lực của Tết bây giờ là người ta kỳ vọng cao quá. Người ta ganh nhau, người ta so sánh với nhau, khi anh có cái này thì tôi cũng phải như thế và hơn thế. Người ta kỳ vọng quá lớn và người ta khổ tâm vì không đạt được kỳ vọng. Rồi còn áp lực về tinh thần, người khá giả thì không sao nhưng đối với người thu nhập thấp đôi khi những điều đơn giản như quà cho bố mẹ, tiền lì xì cho trẻ con nhiều khi cũng phải tính toán.
Cũng có người kêu mệt vì Tết, cái đó tôi thấy rằng, đối với người công nhân làm việc như cái máy cả năm, rồi Tết còn cỗ bàn, còn họ hàng ở quê nữa, đúng là mệt thật. Nhưng nhìn chung nay đã có nhiều dịch vụ, người ta không còn quá vất vả, không quá áp lực về nấu nướng, chăm sóc gia đình nữa, nên đây cũng không phải là vấn đề quá lớn. Nếu có áp lực dồn vào một ai đó, một dịp nào đó nên chung tay tổ chức làm chung và nên hưởng sự vui vẻ khi chia sẻ cùng nhau, đừng nên coi đó là một gánh nặng.
+ Tết là dịp để xả hơi, để sống chậm và cảm nhận cuộc sống… Có vẻ ngày càng có nhiều hơn những ý kiến ủng hộ lối suy nghĩ này. Ông nhìn nhận về mong muốn này như thế nào?
– Xả hơi, sống chậm, chiêm nghiệm cuộc sống… cũng chỉ là một vài trong rất nhiều cách cảm thụ Tết. Mong muốn đó là đáng trân trọng. Như bản thân tôi thì tôi thích suy ngẫm hơn. Kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, tôi thường muốn xem mình đã sống như thế nào và sắp tới nên như thế nào. Có một thời điểm để thanh thản nghĩ ngợi khi cuộc sống ngày thường đã quá xôn xao, áp lực cũng là điều hay. Nhưng có những người vì mệt mỏi mà muốn được nghỉ ngơi như người công nhân vất vả cả năm tôi nói ở trên, thì mình cũng nên hiểu nhu cầu đó của họ. Tuy nhiên không thể vì “nghỉ ngơi” mà bỏ đi các mối quan hệ xã hội. Chúng ta nên sắp xếp một cuộc sống hài hoà, không nên cực đoan. Xả hơi bằng cách uống rượu như hũ chìm thì không nên. Sống chậm bằng cách trốn mọi giao tiếp cũng không nên. Giải trí bằng sát phạt cờ bạc lại càng không nên. Suy ngẫm đầy lo toan thì dễ trầm cảm lắm. Cho nên cũng là cảm nhận cuộc sống nhưng lựa chọn nào, hành động với cách nào mới là điều quan trọng.
+ Nếu ở một gia đình mà cha mẹ đều quan niệm chỉ cần tổ chức một cái Tết tối giản, không khác nhiều ngày thường… vậy làm thế nào để các thế hệ sau vẫn cảm nhận được không khí Tết truyền thống với những giá trị văn hóa tốt đẹp? Chuyện gì sẽ xảy ra khi những suy nghĩ “ăn Tết tối giản” trở nên phổ biến trong xã hội?
– Sống tối giản là một lựa chọn khá “hot” hiện nay và có thể ứng dụng vào Tết. Ta nên tôn trọng sự lựa chọn của họ vì nó có những hữu ích cho cá nhân và nhân loại. Tuy nhiên, ta cũng cần thấy rằng đó là một ứng xử cực đoan, trái ngược với lối sống hoang phí, khoe mẽ và theo tôi, dùng cái cực đoan này chống lại cái cực đoan khác, như vậy cũng là không hay.
Ông bà ta ngày xưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử rất phù hợp với từng hoàn cảnh, các cụ quý trọng lối sống tiết kiệm, giản dị, hợp lý và duy tình. “Tuỳ tiền biện lễ”, “Lễ bạc mà lòng thành” – một dân tộc vốn đói nghèo bền vững từ xưa đã tạo ra giá trị của phong cách sống đó. Đó là cách sống không chỉ cho riêng mình mà phải “nhìn nhau mà sống”. Tết là di sản văn hóa mang tính cộng đồng sâu sắc, mình làm sao chan hòa được với mọi người để chung vui là tốt nhất. Trong điều kiện hiện nay cũng nên đơn giản Tết nhưng những điều thuộc về hệ giá trị thì chúng ta không nên bỏ qua. Chẳng hạn như giá trị cố kết cộng đồng, giá trị hướng về nguồn cội… Anh có thể đơn giản trong nhiều mối quan hệ nhưng hành vi lễ nghĩa phải nghiêm cẩn, mẫu mực, như ăn mặc đàng hoàng, nói năng chuẩn mực, kính trọng người già… Những thứ đó không tốn kém, không mất tiền mà rất có ý nghĩa giáo dục, làm gương cho con trẻ nhìn vào, học theo.
Cá nhân tôi không quá lo suy nghĩ “ăn Tết tối giản” sẽ trở nên phổ biến. Quan niệm “Tết tối giản” không có ở nhiều người, trong xã hội phần đông người ta vẫn muốn có một cái Tết đoàn viên, vui vẻ cho cả gia đình. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những cơn “sốt”, những sự “bùng phát”, những đợt “sóng”, những “dị giáo” ồn ào. Nhưng rồi, cuộc sống có cách tự điều chỉnh của nó. Không phải tự nhiên mà Tết đã tồn tại qua hàng nghìn năm. Những gì phù hợp với luật pháp, với đạo đức, những cái thiện, cái đẹp sẽ luôn bền vững và tồn tại lâu dài như Tết vậy.
+ Rõ ràng không phủ nhận được những giá trị tốt đẹp của Tết. Nhưng sự phát triển là xu thế tất yếu, và dù muốn hay không nó vẫn tác động đến văn hóa cũng như đến văn hoá Tết. Những sự biến chuyển gần đây khiến nhiều người lúng túng lựa chọn giữa một bên là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo nên không khí Tết trong nhà, một bên là cách đón Tết gọn nhẹ. Theo ông có một “đáp án” nào khả dĩ có thể dung hoà được điều này?
– Sự mâu thuẫn giữa “Tết tối giản” và truyền thống vui Tết cộng đồng sẽ chưa cần phải đặt ra vì nó chưa hề là một vấn đề thực sự quan trọng. Quan trọng là ở nhiều cái khác như lãng phí, tai nạn giao thông, hàng giả, lừa đảo, bạo lực, vệ sinh an toàn thực phẩm… Rất nhiều thứ cần đặt vấn đề vì tính cấp thiết của nó. Sự “tối giản Tết” là có thể tự điều chỉnh được. Chắc chắn là thế.
Nhưng nếu ai đó có băn khoăn thì tôi cũng nhấn mạnh rằng, Tết có rất nhiều giá trị, cách tốt nhất là mỗi người tuỳ hoàn cảnh của mình để có cách ứng xử phù hợp. Cách ứng xử phù hợp là lấy những giá trị tốt đẹp của Tết làm giá trị cốt lõi. Đó là những giá trị về đoàn viên, về hoà hợp, về khát khao sự mới mẻ trong năm mới. Chúng ta hãy lạc quan tích cực, giải toả những áp lực Tết khỏi tâm lý, đừng đẩy nó căng lên, xã hội cũng thế thôi. Chúng ta có thể ứng xử với Tết nhẹ nhàng, sao cho đỡ vất vả, đỡ áp lực cho mình nhưng phải hòa chung sự cộng cảm, nhân tinh thần cộng cảm đó lên, lan tỏa cho mọi người tinh thần giản dị nhưng vị tha.
Mà nói thế thôi, chưa có một nghiên cứu điều tra xã hội học nào chỉ rõ số lượng những người mong Tết và những người “sợ” Tết để so sánh một cách khoa học cả. Vấn đề là điều chỉnh cách ứng xử với Tết để cho mình thanh thản mà sống… Kêu nhiều tạo nên tâm lý bức xúc, bất lợi cho chính bản thân và ảnh hưởng đến người thân xung quanh. Cười vui trước thử thách là một phương thuốc hữu hiệu.
Cá nhân tôi quan niệm Tết như một di sản văn hóa đặc biệt, nó mang một hệ giá trị nhân sinh và bản sắc văn hóa cộng đồng. Cách tốt nhất, cũng như những di sản văn hóa khác là cần thấu hiểu, bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của nó.
+ Xin cảm ơn ông !
T.Toàn (Thực hiện)