Chờ đợi nhà tuyển dụng phản hồi CV xin việc mỏi mòn không quá lạ. Vấn đề là nhiều ứng viên không biết phải chờ đến lúc nào vì mãi chẳng thấy tăm hơi.
Ngâm CV xin việc tính bằng năm
Chị Trần Hồng Hà (27 tuổi, ở Bắc Ninh) kể từng bị nhà tuyển dụng ngâm hồ sơ tới… 3 năm. Chị nộp hồ sơ cho vị trí nhân viên thu mua (biết tiếng Trung) từ tháng 12-2021.
Chờ hoài không thấy công ty phản hồi gì, mãi đến tháng 7-2024 công ty đó mới liên hệ hỏi chị về nhu cầu việc làm hiện tại. Nhưng đợi hai tuần không thấy hồi âm, chị đã nhận việc một nơi khác.
Hiện chị Hà đang làm chuyên viên chịu trách nhiệm về an toàn lao động tại một công ty ở TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Chị cho hay sau khi nộp hồ sơ, bộ phận nhân sự công ty này đã liên hệ hẹn phỏng vấn ngay trong ngày.
“Nếu đợi đủ lâu mà nhà tuyển dụng vẫn chưa liên hệ lại, mình phải chủ động, mạnh dạn đi tìm cơ hội mới”, chị Hà khuyên.
Ứng tuyển vị trí nhân viên marketing cho một nhãn hàng thời trang, nhưng Phương Thảo (24 tuổi, ở TP.HCM) nói nửa tháng rồi chưa được công ty liên hệ. Cô có nộp CV thêm một số công ty khác, cũng chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Thảo tự trấn an chắc do lượng CV đổ về nhiều hoặc quy trình xử lý của công ty cần nhiều thời gian hơn. Nhưng phải chờ mãi đến nỗi Thảo tự hoài nghi năng lực của bản thân.
“Nếu từ chối, công ty chỉ cần gửi email ngắn gọn rằng ứng viên không phù hợp với vị trí đó. Đó cũng là cách tôn trọng ứng viên, nhất là việc dùng email đã quá phổ thông”, Thảo bày tỏ.
CV “rác”, sao phải phản hồi!
Phụ trách nhân sự tại một công ty ở TP.HCM, chị Huỳnh Thị Thảo Nguyên (28 tuổi) cho rằng việc ngâm hồ sơ và không phản hồi ứng viên là bình thường. Vì không phải công ty nào cũng có nhân sự phụ trách, hoặc có nhưng không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tuyển dụng.
Chưa kể có khi ứng viên nộp CV ồ ạt mà không xem qua tiêu chí tuyển dụng của công ty. Việc này sẽ bị nhà tuyển dụng liệt kê vào CV “rác” và không đánh giá để đỡ mất thời gian.
“Ứng viên tiềm năng thường sẽ được phản hồi nhanh trong vòng 2 – 3 ngày. Còn từ 7 – 10 ngày không phản hồi là ứng viên không đạt”, chị Nguyên nói.
Trong khi đó, chị Hồng Thắm (31 tuổi) – phụ trách tuyển dụng cho một công ty agency tại Hà Nội – cho hay ứng viên được liên hệ lại sau một thời gian dài có thể là ứng viên thuộc lựa chọn 2 hoặc 3.
Nhà tuyển dụng thường lưu những CV này lại dự phòng trong trường hợp vị trí đó cần thay thế hoặc tuyển thêm.
Để tăng cơ hội được phỏng vấn, theo chị Hồng Thắm, CV phải gây được ấn tượng. CV cần có bố cục rõ ràng, cân đối, ảnh nghiêm túc.
Với những vị trí đòi hỏi tính tỉ mỉ, chỉn chu như hành chính, nhân sự, kế toán… CV tuyệt đối không được sai chính tả. “Gửi email từ chối ứng viên không đạt cũng nên làm nhưng tùy vị trí. Với lao động phổ thông thì không cần thiết”, chị Thắm nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ung-vien-nop-cv-cho-mon-moi-ho-so-de-bi-danh-gia-rac-20240819174036395.htm