Theo số liệu thống kê của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ ung thư xương có tần suất phát hiện cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên, có độ tuổi từ 9-19. Gặp nhiều ở những trẻ có chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa tuổi. Nam gặp nhiều hơn nữ. Bệnh có xu hướng tiến triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường đi thăm khám ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân của ung thư trong xương chưa được xác định chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương của một người. Trong đó có yếu tố di truyền; người đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ; bệnh Paget hiện tại hoặc trước đây đã có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương”.
Một trường hợp bệnh nhân bị ung thư đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, khi khối u ung thư phát triển, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng, nhưng đau nhứt là triệu chứng phổ biến nhất. Việc viêm khớp, loãng xương hoặc chấn thương có thể giống với nhiều triệu chứng. Do đó, dù có bất kỳ những dấu hiệu đau mỏi, sưng tấy xương khớp nào cũng cần phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Về các phương pháp điều trị căn bệnh ung thư xương, TS. Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Điều trị ung thư xương là đa mô thức kết hợp nhiều chuyên khoa như: Chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, điều trị hóa chất, xạ trị. Hiện nay, điều trị ung thư xương đạt kết quả khả quan, tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt 70%”.
Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, căn bệnh ung thư xương thường diễn ra âm thầm với không quá nhiều triệu chứng ở giai đoạn đầu và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Nhìn chung, ung thư xương là căn bệnh khá hiếm gặp. Tỷ lệ chưa tới 1% trong toàn bộ bệnh ung thư và nó còn phụ thuộc vào lứa tuổi. Ung thư xương hay gặp ở thanh thiếu niên, ít gặp ở người già. Theo vị trí khối u, ung thư xương thường gặp là ở “gần gối, xa khuỷu”. Nghĩa là hay gặp ở đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi (gần gối), đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay (xa khuỷu).
Điều dễ nhận biết nhất khi có các dấu hiệu ung thư xương như: Đau nhứt dữ dội, có xuất hiện khối u, xương yếu và rất dễ gãy. Ví dụ diển hình là lúc ban đầu đau mơ hồ trong xương, sau đó đau rõ từng đợt ngắn, rất khó chịu. Cơn đau thường xuất hiện về đêm. Giai đoạn rõ rệt, đau liên tục, dùng thuốc giảm đau thông thường không giảm. Khối u có thể được phát hiện trước, đồng thời, hoặc sau triệu chứng đau. U khởi đầu là một khối sưng, chắc, nổi gồ mặt da, bờ không rõ, nắn không đau. Về sau, u to nhanh, gây biến dạng, xâm lấn phần mềm, đau khi khám.
Ung thư tiêu hủy xương, gãy xương tự phát gây nên đau nhói và giảm cơ năng. Một số trường hợp gãy xương do va chạm nhẹ, có thể làm cho người bệnh dễ nhầm lẫn gãy xương là do chấn thương. Đáng chú ở vào giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Vị trí xương bị bệnh có thể to lên hoặc bị gãy xương không do chấn thương, người bệnh đi khập khiễng.
So với giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công ở thời điểm phát hiện muộn sẽ giảm hiệu quả đáng kể, đồng nghĩa với khả năng tử vong cao hơn. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động liên hệ với các bác sĩ để được chẩn đoán ung thư xương sớm./.
Phương Vũ