Mẹ tôi 62 tuổi, mới nhận chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú, giai đoạn 1B. Bệnh này có nguy hiểm? (Thu Hiền, Hà Nội)
Trả lời:
Ung thư tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào ác tính có nguồn gốc tuyến giáp. Về mặt mô bệnh học, ung thư tuyến giáp được chia thành ung thư biểu mô thể biệt hóa (thể nang, thể nhú và thể oncocytic), thể tủy, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và các loại mô bệnh học ít gặp khác như u lympho tuyến giáp, sarcoma tuyến giáp.
Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) 2020, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, với khoảng 5.470 ca bệnh mắc mới.
Bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị phù hợp. Ung thư tuyến giáp không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ phát triển, xâm lấn, di căn, đe dọa tính mạng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng gồm thể mô bệnh học, giai đoạn phát hiện bệnh, tuổi lúc được chẩn đoán, tình trạng sức khỏe của người bệnh, phương pháp điều trị được lựa chọn, khả năng đáp ứng với liệu pháp điều trị của người bệnh…
Mẹ bạn mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú có tiên lượng điều trị và phục hồi khả quan. Ung thư tuyến giáp thể nhú là thể bệnh phổ biến, chiếm hơn 80% trường hợp.
Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú đáp ứng tốt với điều trị ngay cả trong trường hợp tế bào ung thư di căn hạch bạch huyết. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm đến hơn 99%. Nhiều nghiên cứu thống kê tỷ lệ sống còn trên 10 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm lên tới 90% cho thể bệnh này. Trong trường hợp di căn, tỷ lệ sống thêm và điều trị vẫn rất khả quan.
Trường hợp mắc các thể mô bệnh học cùng loại như ung thư tuyến giáp thể nang, thể tủy, tiên lượng phục hồi sức khỏe vẫn đạt hơn 90%.
Riêng trường hợp mắc ung thư tuyến giáp kém biệt hóa, tiên lượng phục hồi thường thấp do tế bào ung thư phát triển nhanh.
Lựa chọn điều trị ưu tiên ung thư tuyến giáp giai đoạn một là can thiệp ngoại khoa. Các bác sĩ đánh giá về tình trạng sức khỏe chung, trao đổi về an toàn gây mê, phương pháp phẫu thuật được sử dụng. Tùy thuộc vào kết quả sau mổ, các đánh giá thêm, điều trị bổ sung (như điều trị iốt phóng xạ…) và kế hoạch theo dõi dài hạn, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho người bệnh và gia đình.
Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp bác sĩ có nhiều lựa chọn điều trị nhằm đạt hiệu quả tối ưu, tiên lượng sống còn cao nhất. Bạn và gia đình cần động viên, chăm sóc và đồng hành với mẹ trong quá trình điều trị.
ThS.BS Lưu Thảo Ngọc
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |