Theo GLOBOCAN 2022, ung thư dạ dày đứng thứ 5 về số ca mắc và tử vong trên thế giới. Bệnh ung thư dạ dày có lây không hay vi khuẩn HP có phải thủ phạm chính gây bệnh vẫn còn là thắc mắc của nhiều người.
Nhiều người vẫn chưa biết rằng liệu ung thư dạ dày có lây không?, câu trả lời được giới chuyên gia đưa ra là không. Cho đến thời điểm hiện tại, ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng gần như không thể bị lây từ người này sang người khác.
Theo GLOBOCAN 2022, ung thư dạ dày đứng thứ 5 về số ca mắc và tử vong trên thế giới. |
Sử dụng từ “gần như” bởi vẫn có khả năng ung thư lây lan, nhưng cực kỳ khó xảy ra. Hiện nay, y văn đã ghi nhận một vài trường hợp và vẫn đang theo dõi về khả năng ung thư lây lan do ghép tạng.
Người được ghép tạng hay mô có khả năng bị ung thư do người hiến tạng đã từng bị ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ này là rất thấp, khả năng xuất hiện chỉ khoảng 2/10.000 ca.
Hiện nay, các bác sỹ cũng không sử dụng nội tạng hoặc mô của người từng có tiền sử ung thư trong cấy ghép nội tạng nữa. Dạ dày cũng là cơ quan không cần thực hiện cấy ghép, bởi người bệnh cắt bỏ toàn bộ dạ dày vẫn có thể sống – dù chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng sau phẫu thuật.
Có một số nhầm lẫn khiến nhiều người cho rằng ung thư dạ dày có thể lây lan. Đa số các trường hợp mắc ung thư dạ dày không phải là do di truyền, gia đình người bệnh cũng không có tiền sử ung thư.
Một số yếu tố khác có thể kể đến như vi khuẩn HP hay tên đầy đủ là Helicobacter pylori. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại H. pylori là vi khuẩn gây ung thư nhóm 1. Vi khuẩn này có thể gây ung thư dạ dày thông qua các cơ chế sau
Viêm nhiễm mạn tính: Khi vi khuẩn HP xâm nhập vào dạ dày, chúng sẽ bám vào lớp niêm mạc dạ dày và tiết ra các độc tố gây viêm nhiễm. Viêm nhiễm mạn tính do vi khuẩn HP có thể dẫn đến tổn thương DNA trong các tế bào niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho sự phát triển của ung thư.
Kích thích sản sinh tế bào: Vi khuẩn HP kích thích sản sinh các tế bào biểu mô dạ dày, dẫn đến sự tăng trưởng bất thường của các tế bào này. Việc tế bào tăng trưởng bất thường có thể dẫn đến các khối u ung thư.
Ức chế hệ miễn dịch: Vi khuẩn HP có thể ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể khó khăn hơn trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tạo ra các chất gây ung thư: Vi khuẩn HP sản sinh ra một số chất có thể gây ung thư, bao gồm nitrat và amoniac.
Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể tương tác với các yếu tố nguy cơ khác gây ung thư dạ dày, chẳng hạn như chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin và khoáng chất, hút thuốc lá và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng “liệu ung thư dạ dày có lây không nếu vi khuẩn HP của người đang mắc ung thư dạ dày lây sang người khác?”.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Sỹ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bị nhiễm, bao gồm nước bọt, dịch dạ dày và phân. Tuy nhiên, việc lây truyền vi khuẩn HP không đồng nghĩa với lây truyền ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Để phát triển ung thư dạ dày, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác, bao gồm yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, lối sống và môi trường sống.
Không phải tất cả mọi người bị nhiễm vi khuẩn HP đều phát triển ung thư dạ dày: Nguy cơ mắc ung thư dạ dày do vi khuẩn HP phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chủng vi khuẩn, thời gian nhiễm vi khuẩn, và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Vi khuẩn HP cần thời gian để gây ra ung thư dạ dày: Quá trình từ khi nhiễm vi khuẩn HP đến khi phát triển ung thư dạ dày có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Do đó, việc tiếp xúc với vi khuẩn HP từ người đang mắc ung thư dạ dày không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày có lây không nếu mọi người trong gia đình đều có các hội chứng làm tăng nguy cơ mắc ung thư? Có thể trong một gia đình có nhiều hơn một người mắc ung thư dạ dày, nhưng không có nghĩa người đó bị lây từ người thân.
Rất nhiều yếu tố, bệnh lý di truyền có thể dẫn đến bệnh lý ung thư dạ dày. Có thể kể đến như người nhà có tiền sử mắc ung thư dạ dày, hội chứng Lynch, hội chứng đa polyp gia đình (FAP),…
Thế nên, nếu trùng hợp có nhiều thành viên trong một gia đình bị ung thư dạ dày, rất có thể vì lý do di truyền chứ không hề bị “lây” bởi người khác.
Khoa học đã chỉ ra thói quen ăn nhiều muối có liên quan đến việc mắc ung thư dạ dày. Các thành viên trong cùng một gia đình có cùng khẩu vị, tiêu thụ nhiều muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Cũng theo bác sỹ, con đường lây lan ung thư duy nhất được ghi nhận hiện nay là qua đường ghép nội tạng. Trong khi đó, dạ dày là cơ quan không bắt buộc phải cấy ghép để duy trì sự sống. Thế nên, rất hiếm khi người bệnh cần hỗ trợ cấy ghép cơ quan này.
Vẫn có một số trường hợp hiếm gặp người bệnh bị suy đa tạng, cần thay thế một lúc nhiều cơ quan để duy trì sự sống. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cần phải ghép đa tạng gồm dạ dày, ruột, tuyến tụy, gan, thận.
Như vậy, việc ung thư dạ dày có lây không phụ thuộc rất nhiều vào các tạng được ghép có chứa tế bào ung thư hay không. Dù vậy, tỷ lệ người bệnh được ghép đa tạng có thể bị ung thư dạ dày vẫn rất thấp.
Ung thư dạ dày có di truyền không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày do di truyền khá thấp. Độ tuổi của người bệnh mắc ung thư dạ dày do di truyền cũng thấp hơn độ tuổi mắc trung bình rất nhiều. Một báo cáo của Nhật Bản thống kê trên hơn 100.000 người mắc ung thư trực tràng có độ tuổi trung bình khoảng 67.
Trong khi đó, những người mắc ung thư dạ dày do di truyền thường được phát hiện trước 40 tuổi, ở dưới ngưỡng đề xuất tầm soát ung thư dạ dày. Vậy giữa các thành viên trong cùng gia đình ung thư dạ dày có lây không? Câu trả lời vẫn là “không”.
Dù tỷ lệ mắc ung thư dạ dày do di truyền thấp, nhưng những người có tiền sử người thân mắc ung thư dạ dày thuộc nhóm nguy cơ cao. Vậy nên vẫn cần chủ động thực hiện tầm soát định kỳ từ khi còn trẻ để phát hiện và điều trị ung thư kịp thời.
Hiện tại vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư dạ dày. Yếu tố nguy cơ chính liên quan trực tiếp đến ung thư dạ dày là vi khuẩn Helicobacter pylori và thói quen ăn uống. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều yếu tố có liên quan hoặc ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư dạ dày của một người.
Dưới đây là các yếu tố có liên quan đến việc tăng khả năng mắc ung thư dạ dày:
Vi khuẩn: Năm 1994, Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận vi khuẩn Helicobacter pylori là tác nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Di truyền: Người có tiền sử thành viên trong gia đình mắc ung thư dạ dày có tỷ lệ bị ung thư dạ dày cao hơn. Một số hội chứng có thể gây ra ung thư dạ dày bao gồm: ung thư dạ dày lan tỏa di truyền (HDGC), ung thư vú và buồng trứng di truyền (HBOC), hội chứng Lynch, đa polyp gia đình (FAP).
Giới tính: Tỷ lệ người bệnh nam mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi so với nữ giới (theo số liệu GLOBOCAN 2022).
Độ tuổi: Những người mắc ung thư dạ dày thường có độ tuổi từ 55 trở lên, hầu hết trong giai đoạn 60, 70 tuổi.
Nhân chủng: Ung thư dạ dày ít gặp ở người da trắng hơn người da đen, châu Á, Hispanic (gốc Tây Ban Nha).
Chế độ ăn: Tiêu thụ nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Các thực phẩm nhiều muối thường là thực phẩm được sấy khô, ngâm chua, hun khói, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp,…
Phẫu thuật: Người từng phẫu thuật để điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Bệnh dạ dày: Người mắc các bệnh như thiếu máu dạ dày, thiếu dịch vị dạ dày có tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.
Nghề nghiệp: Những người làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với một số loại khói và bụi độc hại có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày.
Rượu bia, thuốc lá: Những người sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày ở nam giới. Chưa có báo cáo về béo phì và ung thư dạ dày ở nữ giới.
Dù đã có câu trả lời cho thắc mắc “ung thư dạ dày có lây hay không?”, nhưng làm sao để giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày? Dựa trên các yếu tố nguy cơ, mọi người có thể giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày của bản thân bằng cách:
Không hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia. Ăn uống lành mạnh, hạn chế muối và thức ăn chế biến sẵn. Luôn kiểm soát cân nặng của mình, không để bản thân thừa cân, béo phì.
Những người trong nhóm nguy cơ cao nên tầm soát ung thư dạ dày định kỳ khoảng 3-5 năm một lần để đề phòng nguy cơ mắc bệnh và điều trị kịp thời. Ung thư dạ dày ở các giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng.
Nếu người bệnh không được tầm soát, rất khó để phát hiện ung thư dạ dày từ sớm. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của người bệnh. Vậy tầm soát ung thư dạ dày bao gồm những gì và được thực hiện như thế nào?
Không phải ai cũng cần phải tầm soát ung thư dạ dày. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày bao gồm: Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày: Nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con cái bạn từng bị ung thư dạ dày, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
Người bị nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều muối, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Người hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư dạ dày.
Người thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sỹ để được tư vấn về việc tầm soát ung thư dạ dày. Bác sỹ sẽ giúp bạn xác định xem bạn có cần tầm soát hay không và tư vấn cho bạn phương pháp tầm soát phù hợp nhất.
Các phương pháp chẩn đoán có thể được dùng trong khám tầm soát ung thư dạ dày bao gồm nội soi dạ dày. Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để xác định ung thư dạ dày. Nội soi có thể được kết hợp với sinh thiết hoặc xét nghiệm máu để khẳng định độ chính xác.
Sinh thiết: Bác sỹ lấy mẫu bệnh phẩm tổn thương nghi ngờ trong dạ dày, được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày để xét nghiệm. Kết quả sinh thiết sẽ cho kết luận chẩn đoán chính xác nhất về việc tổn thương dạ dày là lành hay ác tính.
Chụp X-quang có cản quang: Người bệnh được uống thuốc cản quang (barium) trước khi chụp, thuốc sẽ làm nổi bật những tổn thương trong dạ dày trên ảnh chụp. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp tầm soát ung thư dạ dày phổ biến ở Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/ung-thu-da-day-co-lay-khong-d222543.html