Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tinh thần chung của các cơ quan của Quốc hội rất ủng hộ sớm đưa luật vào cuộc sống, sẽ có tác động tích cực, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bất động sản.
“Chính phủ đã bổ sung phụ lục làm rõ tiến độ chuẩn bị và các văn bản quy định chi tiết để đồng bộ khi các luật đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực. Nhưng nói thật chúng tôi cũng rất lo và rất băn khoăn. Kể từ thời điểm Chính phủ chính thức trình dự án luật ngày 18.5 tới nay hơn 1 tháng nhưng chưa có văn bản mới nào của Chính phủ và các bộ để triển khai thi hành 3 luật này”, ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thời gian gấp rút như thế nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nào ngoài nghị định lấn biển. Cho rằng, mấy hôm nay Chính phủ khẩn trương tổ chức rất nhiều hội nghị trực tuyến với các địa phương để cho ý kiến về các luật, nhưng theo ông, để đảm bảo tiến độ vẫn phải có quyết tâm rất mạnh mẽ, có biện pháp rất cụ thể mới ban hành được.
“Tôi không nói con số tuyệt đối ban hành 16 văn bản của Chính phủ, các bộ hướng dẫn thi hành luật Đất đai, 7 văn bản hướng dẫn thi hành luật Nhà ở và 4 văn bản hướng dẫn thi hành luật Kinh doanh BĐS, nhưng cũng phải ban hành “đa số văn bản”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Cho biết thêm, theo ông Tùng, đơn cử như luật Đất đai không phải tất cả 260 điều cần văn bản hướng dẫn, chỉ 97 điều cần văn bản hướng dẫn, nhưng các điều liên quan đến nhau.
“Chúng tôi rất ủng hộ có hiệu lực sớm, thông qua trình Quốc hội, nhưng trên cơ sở làm rõ các vấn đề có liên quan, báo cáo giải trình đầy đủ để các đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Không cẩn trọng thì hậu quả rất lớn
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho rằng “để Quốc hội thông qua cũng rất đau đầu”, vì 4 luật này tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Do đó, nếu không cẩn trọng thì hậu quả sau này cũng rất lớn.
Phân tích thêm, theo đại biểu Cường, nếu triển khai sớm 4 luật sẽ cởi những nút thắt của thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu nhà ở rất lớn mà cung không có. Nhưng khó khăn là nếu không cẩn trọng chỉ cần một quyết định không chính xác sẽ để lại hậu quả, đây là thách thức phải chấp nhận.
“Đến nay mới có một nghị định được ban hành, còn lại đang được soạn thảo chuẩn bị. Các nghị định có liên quan đến nhau, ví dụ như cải tạo chung cư cũ có liên quan đến luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và luật Đất đai”, ông Cường lưu ý.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị không chạy đua về tiến độ để đẩy nhanh sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn, phải chuẩn bị chất lượng đặt lên hàng đầu, tránh hậu quả có thể xảy đến.
“Tôi đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn hoàn thành trước 31.12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong luật mới mà khi thực hiện không được lợi như luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn từ nay cho đến 31.12”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng rất băn khoăn về tính khả thi. Trên thực tế, nhiều tỉnh đang e dè chờ đợi luật mới có hiệu lực để triển khai, gây nên ách tắc ở dưới. Mặc dù luật cũ vẫn hiệu lực, nhiều người vẫn ngại vì đang thực hiện luật này mà sang đầu năm sau làm theo luật mới không biết thực hiện thế nào.
Vì vậy, nếu không cho hiệu lực sớm thì luật cũng đang ách tắc ở dưới. Nhất trí cho phép có hiệu lực sớm, song theo ông lo ngại của Ủy ban Kinh tế cũng rất chính đáng khi đến nay mới có một nghị định hướng dẫn được ban hành rõ ràng không thể không lo ngại.
“Hiệu lực sớm các luật sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Nhưng nó sẽ có khoảng trống nhất định, nhưng cái được sẽ nhiều hơn cái không được”, ông Ấn nêu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ung-ho-hieu-luc-som-4-luat-nhung-dai-bieu-lo-huong-dan-khong-kip-185240620115539578.htm