Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là một giải pháp hữu hiệu, giúp tự động hóa công tác phổ biến pháp luật đến với người dân, đồng thời giúp người dân tiếp cận các kiến thức, thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu.
Ngày 11-9 tại TPHCM, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (PBGDPL) đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 – 2030”.
Theo ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (PBGDPL), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về chuyển đổi số trong PBGDPL, giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 – 2030”.
Mục tiêu của đề án nhằm tạo sự thay đổi căn bản về phương thức PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp, chuyển từ cách làm truyền thống sang thực hiện trên môi trường số, bảo đảm thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Quốc tế Incom – đơn vị phát triển và vận hành trang web LuatVietnam.vn, cho biết AI có thể là một giải pháp hữu hiệu, giúp tự động hóa công tác phổ biến pháp luật đến với người dân, đồng thời giúp người dân tiếp cận các kiến thức, thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu.
Cụ thể, các cơ quan nhà nước có thể ứng dụng chatbot AI (trợ lý ảo) hỗ trợ giải đáp pháp luật tự động. Câu trả lời của chatbot AI luôn kèm theo căn cứ pháp lý chi tiết đến từng điều, khoản, điểm, liên kết đến văn bản pháp luật liên quan.
Tại mỗi cơ quan hành chính nên có 1-2 máy tính phục vụ cho việc hỏi đáp, tra cứu tự động, người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính có thể tra cứu và làm theo hướng dẫn từ chatbot, giải phóng việc hỏi đáp của các cán bộ, nhân viên. Chatbot này có thể tích hợp vào website dưới hình thức box chat hay trên ứng dụng di động của cơ quan nhà nước để thuận tiện cho việc cán bộ, nhân viên hay người dân thuận tiện tra cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, trước khi tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án trong giai đoạn tiếp theo cần có bước khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực tại các địa phương và kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn của địa phương, tránh lãng phí nguồn lực.
Từ năm 2015 đến nay, Sở Tư pháp đã đăng tải 3.623 tin, bài, văn bản, tài liệu PBGDPL ngắn, bài giảng, hình ảnh, video clip… trên Cổng thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố (http://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn).
Công an TPHCM đã đăng tải 781 phóng sự, 734 tin thời sự, 760 hình ảnh, 3.285 bài viết, 20 video clip tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử và website xuất nhập cảnh của Công an TP, tổng số lượt người truy cập vào Cổng thông tin điện tử Công an TP là 300.000.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM thường xuyên cập nhật, đăng tải 796 video clip chuyên đề về kiến thức gia đình, quy định của pháp luật có liên quan đến hội viên trên trang tin điện tử, Facebook của hội.
Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi Trẻ, Báo Pháp Luật TPHCM… đã xây dựng, duy trì và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về PBGDPL.
THÀNH CHUNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-post758379.html