Trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến nhắm vào người dùng internet và điện thoại di động tại Việt Nam, gây thiệt hại tài sản, tinh thần đến người dân, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã phát triển ứng dụng nTrust (công cụ nhằm mục đích phòng chống lừa đảo trực tuyến). Tuy nhiên, để công cụ này hoạt động hiệu quả, rất cần sự tham gia của người dùng.
Chặn cuộc gọi lừa đảo
Phần mềm nTrust được cài đặt trên điện thoại thông minh, được phát hành miễn phí đến tay người dùng ngày 30-7 vừa qua. Đội ngũ phát triển ứng dụng đã nghiên cứu 24 hình thức lừa đảo cũng như các tổ hợp biến thể mà các đối tượng lừa đảo đã sử dụng tại Việt Nam để từ đó hệ thống căn bản về hình thức lừa đảo, xây dựng các tính năng của ứng dụng. Việc cài đặt ứng dụng cũng khá dễ dàng, chỉ cần lên kho ứng dụng CH Play với người dùng điện thoại hệ điều hành Android và App Store với người dùng hệ điều hành iOS tải về và thực hiện theo các hướng dẫn kích hoạt.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, ứng dụng nTrust chứa cơ sở dữ liệu về thông tin những kẻ lừa đảo được cập nhật từ các bộ, ngành trong nước như Bộ Công an, Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác. Ứng dụng này cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng, là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, các tổ chức chống lừa đảo quốc tế… Tuy nhiên, để phát huy các tính năng, ứng dụng cần sự tham gia “báo cáo” của người dùng.
“Trên ứng dụng nTrust, một tính năng mà tôi thấy hữu ích là cho phép người dùng lập “danh sách đen” các số điện thoại lừa đảo hoặc số điện thoại không mong muốn để tránh bị làm phiền. Để sử dụng tính năng này, truy cập vào mục “Kiểm tra SĐT” trên giao diện chính của ứng dụng, sau đó chọn mục “DS Đen” từ giao diện hiện ra. Tại đây, bạn nhấn nút “Thêm số điện thoại” và nhập những số điện thoại mình muốn chặn cuộc gọi. Ở tính năng này, người dùng cũng có thể kích hoạt tùy chọn “Gửi báo cáo” nếu muốn gửi số điện thoại cần chặn vào cơ sở dữ liệu của nTrust. Với cách thức này, không chỉ các số điện thoại lừa đảo hoặc làm phiền, người dùng có thể nhờ nTrust chặn cuộc gọi từ những người mình không thích để tránh bị làm phiền. Đây là một trong những cơ chế hoạt động của nTrust và như vậy đã tránh được làm phiền từ cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo… ”, anh Hải Sơn, một nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh (TPHCM) chia sẻ sau khi cài ứng dụng và sử dụng một tuần gần đây.
Bên cạnh đó, nTrust cũng cho phép người dùng kiểm tra điện thoại thông minh có vô tình cài đặt nhầm ứng dụng có chứa mã độc hay không. Người dùng nhấn vào biểu tượng “Quét mã độc” ở menu phía dưới, sau đó nhấn vào biểu tượng “con bọ” hiện ra tại giao diện. Sau khi quá trình quét hoàn tất, nTrust sẽ thông báo cho người dùng biết số lượng ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại và số lượng mã độc phát hiện ra. Ứng dụng cũng cung cấp chức năng kiểm tra địa chỉ web, giúp phát hiện các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang web giả mạo…
Không phải “cây đũa thần”
Theo số liệu thống kê từ hệ thống quản lý của nTrust, sau 20 ngày ra mắt, đã có khoảng 150.000 lượt tải nTrust từ 2 chợ ứng dụng Google Play và Apple Store. Số lượng người dùng thường xuyên đã vượt 100.000 người dùng. Mỗi ngày, ứng dụng nTrust nhận được 3.000-5.000 báo cáo, chủ yếu liên quan đến các số điện thoại lừa đảo, làm phiền. Các dữ liệu được xử lý bằng trí tuệ nhân tạo (AI), kết hợp với xác minh qua các nguồn dữ liệu mở, so sánh và đối chiếu với danh sách dữ liệu tín nhiệm đã có. Từ đây ứng dụng cập nhật thêm khoảng 70.000 bản ghi mới từ nguồn dữ liệu báo cáo của cộng đồng, trong đó chủ yếu là báo cáo về số điện thoại lừa đảo, làm phiền.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), kiến trúc sư trưởng phần mềm nTrust, cho biết: “Phần mềm nTrust nằm trong kế hoạch trọng tâm năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Việc chia sẻ dữ liệu được tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, nTrust sẽ gửi các dữ liệu cần kiểm tra dưới dạng mã hash (dữ liệu đã được quy chuẩn, mã hóa và không thể đảo ngược) để đối chiếu với dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng (đã được mã hóa dạng hash từ trước). Kết quả trả về chỉ là phân loại dữ liệu gồm lừa đảo, làm phiền… và khi có kết quả, nTrust sẽ trả kết quả cho người dùng. Quy trình này hoàn toàn tự động, chỉ so sánh trên dữ liệu đã mã hóa, không có khả năng đảo ngược và không có sự can thiệp của con người”.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, phần mềm không phải là “cây đũa thần”, nó chỉ là công cụ hỗ trợ người dân phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo để chủ động phòng tránh. Quyết định cuối cùng vẫn là kỹ năng và nhận thức của người dùng. Ở đây, ứng dụng nTrust sẽ hỗ trợ tối đa việc phát hiện lừa đảo, làm phiền trên không gian mạng; nếu ứng dụng đưa ra cảnh báo nhưng người dùng vẫn tiếp tục thực hiện giao dịch thì nguy cơ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản vẫn xảy ra. Vì vậy, để thực sự phòng chống lừa đảo, mỗi người dân còn cần tự nâng cao kỹ năng, hiểu biết về các hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng, đặc biệt, cần xây dựng một cộng đồng về phòng chống lừa đảo.
Khó khăn hiện nay với đội ngũ phát triển nTrust là không thể đưa tính năng quét mã độc lên phiên bản dành cho hệ điều hành iOS. Đây là khó khăn thuộc về chính sách nhà phát triển do Apple quy định. Với Apple, hãng này luôn khẳng định không có mã độc nào có thể chạy trên hệ điều hành iOS (dù thực tế vẫn có mã độc) và không cấp bất cứ quyền nào cho các ứng dụng để phát triển tính năng quét mã độc… nên hy vọng trong thời gian tới Apple sẽ có những chính sách mở hơn với các nhà phát triển phần mềm. Có như vậy, nTrust sẽ quét được mã độc trên sản phẩm của hệ điều hành iOS.
BÁ TÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ung-dung-ntrust-chong-lua-dao-truc-tuyen-tang-hieu-qua-tu-su-tham-gia-cua-nguoi-dung-post755141.html