Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt đã và đang mang lại những thay đổi tích cực trong phương pháp canh tác của nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Nông dân vùng nguyên liệu mía Lam Sơn (Thọ Xuân) thu hoạch mía nguyên liệu được trồng từ giống nuôi cấy mô.
Nhằm nâng cao năng suất, sản lượng mía nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) đã tích cực ứng dụng công nghệ mới để cho ra đời những giống mía chất lượng cao phục vụ sản xuất. Công ty đã nghiên cứu, lai tạo thành công các giống mía mới LS1 và LS2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho phép đưa vào sản xuất đại trà. Trên cơ sở đó, công ty tổ chức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với quy mô khoảng 5 triệu cây giống/năm, đáp ứng nhu cầu giống cho gần 4.000 ha trồng mới. Kỹ sư nông nghiệp Quách Minh Hải, Phó trưởng Phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng, cho biết: Hiện công ty đang ứng dụng trồng mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với 700 ha mía nguyên liệu. Ưu điểm vượt trội trong sử dụng mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô là cây giống sạch bệnh và giữ nguyên được các đặc tính di truyền nên năng suất, chất lượng, trữ lượng đường cho mía nguyên liệu cao. Cùng với đó, công nhân, người dân vùng mía tuân thủ đúng kế hoạch thời vụ, kỹ thuật canh tác và ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất cây mía, nên năng suất trung bình đạt 70 tấn/ha. Ngoài ra, việc sử dụng mía giống nuôi cấy mô còn giúp cho các địa phương, HTX vùng mía bảo vệ và phát triển nguồn cây giống một cách hiệu quả và bền vững.
Với sự phát triển của khoa học – công nghệ, ngành nông nghiệp đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị cho cây trồng. Các đơn vị liên quan của ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh phục tráng các loại cây trồng bản địa như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn, cam Vân Du. Đồng thời, du nhập, tuyển chọn được giống ngô, đậu, hoa, rau, cây ăn quả mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, nhằm chủ động được nguồn giống tốt phục vụ sản xuất. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đến nay tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đạt 90% đối với lúa, 95% đối với ngô, 80% đối với rau màu, 90% đối với cây công nghiệp… Các doanh nghiệp, HTX đã tích cực ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống hoa đồng tiền, hoa lan và ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau, quả an toàn… Người dân trong tỉnh cũng linh hoạt ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng các loại dưa, rau quả trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng cam công nghệ cao tại huyện Thạch Thành… Các mô hình trồng trọt ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, cho lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.
Ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Từ yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, Viện Nông nghiệp đã tích cực nghiên cứu, khảo nghiệm nhằm chọn ra những giống có năng suất cao, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tại các địa phương trong tỉnh. Trong năm 2023, đơn vị đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia để khảo nghiệm diện hẹp khoảng 100 giống cây trồng và khảo nghiệm diện rộng 30 giống cây trồng các loại. Qua đó, làm cơ sở để ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất, góp phần tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng theo Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, thời gian gần đây các doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tạo ra những giống cây trồng thích ứng với thời tiết, cho năng suất và chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Bài và ảnh: Lê Hợi