Đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai từ phải sang), tìm hiểu sản phẩm “Gạo Rạch Lọp Tiểu Cần”, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và đăng ký chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: một số nội dung trọng tâm của Kế hoạch số 49 là các đề tài, dự án triển khai thực hiện phải bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; các nội dung, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2211/QĐ-UBND, ngày 14/11/2022, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và 06 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021 – 2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Các đề tài, dự án giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia, hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện; xây dựng các phong trào, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong nông thôn… ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường,…
Thời gian qua, các địa phương XDNTM đã lồng ghép với nhiều dự án/đề tài trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho người dân tiếp cận và nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả nhằm góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp; quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…
Đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có 25.679ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 5.910ha; ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,91ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 7.453ha (dừa hữu cơ 4.938ha, lúa hướng hữu cơ 2.891ha, rau an toàn 142ha, cây ăn trái GAP 407ha); nghêu đạt chứng nhận ASC 433ha và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 11.014ha. Đã công nhận 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể (có 20 công ty, 5 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 72 hộ kinh doanh).
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đã thực hiện xây dựng và duy trì 60 nhãn hiệu nông sản, cấp 29 mã số vùng trồng… từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường. Trong 06 tháng đầu năm 2023, thông qua các kênh như trên hệ thống Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh; thiết lập và phát triển các trang fanpage, Viber, zalo… trên ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và chuyển tải các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Trung ương, của tỉnh, các ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021- 2025.
Trong 06 tháng đầu năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nghiệm thu Dự án bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tôm Trà Vinh”.
Hỗ trợ tài sản trí tuệ cho 05 hình thức bảo hộ, trong đó: 01 nhãn hiệu tập thể (Hợp tác xã Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh), 04 nhãn hiệu độc quyền đối với hộ kinh doanh.
Triển khai 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ.
Đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho các sản phẩm: cua biển; tôm hữu cơ của xã Long Hòa – Hòa Minh, huyện Châu Thành; bưởi da xanh; thanh long; lúa gạo hữu cơ của huyện Châu Thành; lác Càng Long; nghêu.
Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: yến sào, xoài cát chu Cầu Kè, hành tím Ba Động.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho 40 sản phẩm tham gia OCOP từ phong trào Phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh Trà Vinh…
|
Đồng chí Trần Văn Út Tám, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho biết: qua công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ XDNTM, tập trung các nội dung như hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến; chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ