Kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh, gắn tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần làm đồng bộ trong toàn hệ thống.
Thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tuần hoàn của TP. Hồ Chí Minh. Ông Lê Thanh Minh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Đây là kết quả của sự đầu tư bài bản, trong đó, giai đoạn 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư 13.657 tỷ đồng vào khoa học công nghệ, chiếm hơn 2,55% ngân sách nhà nước. Trong số này, 4.628 tỷ đồng dành cho sự nghiệp khoa học – công nghệ và 9.028 tỷ đồng cho đầu tư phát triển khoa học – công nghệ.
Tạo thế chủ động khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu |
Ông Minh cho biết, nhờ đó, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của thành phố tăng mạnh, đạt trung bình 46,7%, với 74% đóng góp từ khoa học-công nghệ. Năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh cao gấp 2 lần so với cả nước và năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của thành phố.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng thành phố cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo hướng tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, mô hình hệ thống sản xuất kinh tế tuần hoàn chú trọng giảm thiểu nguồn nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa sản xuất, xử lý chất thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo… với mục tiêu tạo thành vòng lặp, tái sử dụng sản phẩm tối ưu, tạo hiệu quả phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và bền vững, giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, thành phố định hướng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, hiện nay thành phố cũng mới chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn, điển hình như mô hình 3R và Quỹ tái chế chất thải, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên… Các hoạt động này chủ yếu tập trung vào bảo vệ môi trường, chưa chuyển hóa thành hoạt động kinh tế có lợi ích cụ thể.
Các chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như việc phải thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế đã cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh, gắn tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần làm đồng bộ trong toàn hệ thống.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT) nhấn mạnh, cần phải phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn 3 chủ thể “Chính phủ – Nhà trường – Doanh nghiệp”. Theo đó, cả 3 bên cùng kiến tạo, với tư duy và tầm nhìn hệ thống, quản trị và vận hành trong xu hướng chuyển đổi số.
Để ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn, theo ông Quân, thành phố cần thực hiện các nhóm giải pháp tạo các động lực và thị trường mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh; kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xanh; phát triển các chương trình/khóa đào tạo chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên cùng những nhà khởi nghiệp xanh; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh TP. Hồ Chí Minh trong đó bao gồm mối quan hệ với các tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và quốc tế; xây dựng chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thu hút các quỹ đầu tư quốc tế đầu tư về Việt Nam; xây dựng chính sách tạo các thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ, và quy trình xanh; chính sách tài trợ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh từ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt các nhóm doanh nghiệp có tiềm năng tạo tác động cao, bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
“Những vấn đề cốt lõi mà TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục giải quyết là nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lợi ích khi chung tay thực hiện kinh tế tuần hoàn; tạo ra cơ chế chính sách đủ hấp dẫn; tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp, thấu hiểu, đủ năng lực và có trách nhiệm; ngân sách riêng theo từng nhiệm kỳ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khẳng định.