Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng tổ trồng màu công nghệ cao ấp Hòa Lạc A hướng dẫn lao động Hà Thị Loan tỉa lá, cành dưa lưới.
Hơn 04 năm qua, mô hình trồng dưa lưới của người dân xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành sản xuất theo quy trình công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng tổ trồng màu công nghệ cao ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa cho biết: ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp tuy vốn đầu tư cao so với sản xuất truyền thống, nhưng quy trình sản xuất kiểm soát chặt chẽ hơn, phát triển các nguồn năng lượng mới và các phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn cho người sử dụng.
Ông Rây cho biết thêm: hiện tổ trồng màu công nghệ cao có 05 thành viên tham gia trồng dưa lưới theo quy trình công nghệ cao với 10 nhà màng, nhà lưới trên diện tích 0,9ha. Trồng dưa lưới trong nhà màng hoặc nhà lưới được nhiều vụ/năm thích ứng biến đổi khí hậu, năng suất bình quân từ 25 – 30 tấn/ha, giá bán được doanh nghiệp ngoài tỉnh bao tiêu từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 300 – 600 triệu đồng/ha/vụ. Bình quân chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trồng dưa lưới từ 350 – 400 triệu đồng/nhà màng/0,1ha, trong vòng 05 năm thu hồi vốn.
Ưu điểm của mô hình này hiện nay được địa phương tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường nên nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, dưa lưới có thời gian trồng và thu hoạch ngắn khoảng 70 ngày. Đối với những hộ dân có điều kiện đầu tư nhà màng trồng dưa lưới sản xuất khoảng 04 vụ/năm; nhà lưới khoảng 02 vụ/năm.
Theo ông Rây, đối với mô hình dưa lưới trồng theo công nghệ cao, ban đầu ông cũng ngần ngại nên đầu tư 01 nhà màng trên diện tích 0,1ha, bước đầu do thiếu kinh nghiệm nên gặp nhiều trở ngại, liên tiếp những vụ sau, năng suất cao, giá bán ổn định nên khi có lợi nhuận ông đầu tư thêm 02 nhà màng trên diện tích 0,2ha đất. Trồng dưa lưới trong nhà màng chỉ tốn công chăm sóc như cột dây cho dưa lưới leo giàn, cắt lá, tỉa cành và thu hoạch… còn khâu tưới phun ông đã lắp đặt hệ thống đồng hồ tự động hẹn giờ nên không còn canh thời gian tưới như trước đây. Vụ dưa năm nay, với 0,3ha năng suất đạt gần 30 tấn/ha, giá bán từ 30.000 – 45.000 đồng/kg, lợi nhuận 300 – 450 triệu đồng/vụ/ha. Hiện nay ông đã xuống giống vụ mới và đang phát triển tốt.
Đồng chí Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A cho biết: mô hình ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới trên địa bàn hiện nay đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm dưa lưới của xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa lên sàn thương mại điện tử. Hướng tới, xã tiếp tục vận động những hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình này và lựa chọn những giống cây trồng phù hợp trồng trong nhà lưới, nhà màng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo số lượng hàng hóa lớn cung ứng thị trường, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, hiện nay xã liên kết với hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí, xã Huyền Hội, huyện Càng Long kết nối với doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư và bao tiêu sản phẩm chanh không hạt trên diện tích gần 15ha với giá sàn 10.000 đồng/kg tập trung ở ấp Đai Tèn, Hòa Lạc A, Hòa Lạc C, Chà Dư và Tân Ngại.
Nông dân Sơn Hải Phong, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng chanh không hạt ấp Đai Tèn cho biết: hiện tổ có 22 thành viên tham gia trồng chanh không hạt với 13,15ha, giải quyết việc làm 12 lao động tham gia xuống giống, chăm sóc,… Chanh không hạt từ thời điểm trồng cho đến thu hoạch khoảng 18 tháng. Bình quân từ 40 – 50 gốc chanh/0,1ha. Hiện các thành viên trong tổ đang tập trung đồng loạt xuống giống dứt điểm chanh không hạt. Trong quá trình chăm sóc chanh không hạt, các thành viên trồng xen cây bí đỏ, đậu bắp hoặc trồng cỏ nuôi bò để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Sản phẩm nông sản cây bí đỏ, đậu bắp được hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí liên kết với doanh nghiệp tiếp tục bao tiêu sản phẩm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, nên nông dân an tâm sản xuất.
Thời tiết hiện nay ẩm thấp và phù hợp để xuống giống, nên ông đang khẩn trương xuống giống 02ha chanh không hạt. Tuy nhiên khó khăn hiện nay của tổ hợp tác về vốn, phần lớn nông dân tự chủ về tài chính đầu tư sản xuất mô hình chanh không hạt nên gặp nhiều khó khăn trong việc xoay vòng đồng vốn trong canh tác, nhất là chi phí đầu tư cây giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công lao động chăm sóc và thu hoạch… bình quân khoảng 15 triệu đồng/0,1ha. Vì thế, tổ hợp tác mong địa phương và các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp các thành viên trong tổ có điều kiện trong sản xuất.
Cùng với đó, hiện nay xã Lương Hòa A đã liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (tỉnh Bến Tre) khảo sát đánh giá tiêu chuẩn dừa hữu cơ khoảng 150ha nhằm liên kết vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm dừa của nông dân trong xã. Đây là tín hiệu vui, mở ra bước ngoặt mới cho ngành hàng dừa của địa phương nói chung và nhà vườn nói riêng.
Nông dân Trương Văn Đấu, ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, một trong những hộ dân có diện tích dừa khá lớn của xã 2,5ha. Ông Đấu cho biết: với 2,5ha dừa đang cho trái, thời điểm trước giá dừa sụt giảm, năng suất tăng, thu nhập đạt từ 03 – 05 triệu đồng/tháng; hiện nay giá dừa 50.000 đồng/kg, năng suất giảm nên thu nhập không tăng.
Mới đây, diện tích dừa của gia đình ông được Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong và địa phương khảo sát đánh giá đạt tiêu chuẩn dừa hữu cơ. Kết quả bước đầu cho thấy sản phẩm dừa trái có đầu ra ổn định giúp nhà vườn yên tâm canh tác, ổn định bền vững diện tích cây dừa. Vì thế hiện nay ông trồng mới thêm gần 0,1ha dừa canh tác theo hướng hữu cơ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN