Đây là thông tin tại hội thảo tổng kết và chia sẻ kết quả từ dự án giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam do Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), cùng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục Thú y tổ chức ngày 29-3 tại TP Đà Nẵng.
Hệ thống thông tin dịch bệnh trực tuyến
Theo các chuyên gia, thời gian qua bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang là mối đe dọa lớn đối với an ninh y tế toàn cầu.
Do vậy, việc đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của các hệ thống xét nghiệm chẩn đoán và giám sát bệnh truyền nhiễm đóng vai trò thiết yếu trong việc ứng phó trước các mối đe dọa này.
Từ thực trạng trên, dự án giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam được thực hiện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục Thú y và các đối tác khác từ năm 2020 tại 5 tỉnh thành (Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa và Thái Nguyên).
Dự án nhằm cải thiện hệ thống chẩn đoán và giám sát các bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Sau thời gian thực hiện thí điểm hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam (VAHIS) đã giúp các cơ sở từ địa phương nhanh chóng báo cáo tình hình phát hiện bệnh dịch, có phương án dập dịch kịp thời.
Hệ thống trực tuyến chia sẻ thông tin dịch bệnh của các tỉnh trong vùng. Đặc biệt, cán bộ tuyến huyện có thêm công cụ cập nhật thông tin ổ dịch thuận lợi, kể cả khi không có Internet.
Sau thời gian thí điểm, đã có gần 600 ổ dịch được báo cáo trên VAHIS. Trong đó, 100% ổ dịch đảm bảo ba tiêu chí đúng hạn, thông tin đầy đủ, chính xác.
TS Nguyễn Văn Long – cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay dự án đã giúp cho ngành thú y hỗ trợ tăng cường sử dụng hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những hoạt động sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực thú y để tăng cường hơn nữa năng lực trong việc phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người”, ông Long chia sẻ.
Tăng cường kiểm soát mẫu bệnh phẩm
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ tăng cường kiểm soát mẫu bệnh phẩm, chuẩn hóa các quy trình thực hành liên quan đến hoạt động chuyển gửi bệnh phẩm, đảm bảo an toàn, giảm thời gian vận chuyển và đảm bảo chất lượng mẫu.
Trong đó, dự án thực hiện gần 14.000 mẫu được vận chuyển đảm bảo an toàn, đúng thời gian.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà – trưởng khoa vi khuẩn Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – cho biết trước khi triển khai dự án, các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện thường thực hiện đóng gói mẫu bằng các vật tư thông thường, chưa đảm bảo tuân thủ các nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế về quy định về quản lý mẫu bệnh phẩm truyền nhiễm.
“Sau khi có hoạt động hỗ trợ của dự án, các nhân viên phòng xét nghiệm đã thực hành tốt hơn trong công tác chuyển gửi mẫu bệnh phẩm. Bao gồm việc đóng gói đảm bảo quy định về chống rò rỉ và đổ vỡ trong quá trình vận chuyển.
Tất cả các gói hàng đều được dán nhãn cảnh báo chất lây nhiễm, đảm bảo an toàn và an ninh sinh học, giảm thiểu tối đa khả năng lây lan mầm bệnh ra môi trường trong quá trình vận chuyển”, PGS.TS Hà cho hay.
Giám đốc Chương trình Y tế của USAID Việt Nam cho hay dự án với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường các năng lực y tế công cộng để phòng ngừa, phát hiện và ứng phó hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ gây ra đại dịch.
USAID hy vọng dự án mở rộng hoạt động của hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam và hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm sẽ được duy trì và nhân rộng sau khi dự án kết thúc.