Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường.
Đã phần doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. (Nguồn: PPL) |
Mới đây, tại Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất xã hội, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng và đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế kinh tế luôn có đà tăng trưởng hàng năm, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định.
Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 – 16%/năm với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải cho hay, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn. Ngoài ra, theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Bởi, ứng dụng công nghệ trong logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID đã giới thiệu về Dự thảo Báo cáo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam – Thực trạng và khuyến nghị” do Nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án thực hiện nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các nhóm ngành dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải và giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.
Trên cơ sở khảo sát thực tiễn ứng dụng chuyển đổi số của các trường hợp điển hình thuộc 4 nhóm doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp kho bãi, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp thương mại điện tử, Báo cáo nhận định với quy mô thị trường lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong ngành logisitic.
Khảo sát cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics tương đối cao. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có sự khác biệt giữa các nhóm ngành và loại hình doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI và nhóm giao hàng chặng cuối có mức độ chuyển đổi số cao hơn nhờ lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế và áp lực thị trường.
Trên cơ sở phân tích các khó khăn, rào cản cũng như những bài học thành công, Nhóm nghiên cứu đưa ra các đề xuất về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam dựa trên các trụ cột chính như nhận thức, nguồn lực và cách làm; trong đó, nhấn mạnh giải pháp hướng đến các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp logistics, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại.
Ở góc độ vĩ mô, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp giúp tạo thể chế, môi trường và nguồn lực từ thị trường thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các đề xuất giải pháp này hướng đến vai trò của các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội logistics, hiệp hội ngành hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong ngành logistics, ông Trevor O’Regan, chuyên gia quốc tế, Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID khuyến nghị: Việt Nam nên phát triển lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu với AI, thương mại số, Logistics và tính bền vững. Hơn nữa Việt Nam nên xem xét phát triển các doanh nghiệp phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Vehicle – SPV) đẳng cấp thế giới để trở thành quốc gia dẫn đầu về đổi mới logistics; đảm bảo áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết cho chuyển đổi số và thương mại điện tử tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Quỹ Đầu tư chiến lược cho logistics xanh của Việt Nam/quỹ khởi nghiệp logistics xanh của Việt Nam…
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển nhân tài và nghiên cứu như xem xét thành lập một trường Đại học và Viện Nghiên cứu đẳng cấp thế giới chuyên về chuỗi cung ứng toàn cầu với AI, thương mại số, logistics và tính bền vững; giáo dục đào tạo kỹ thuật và dạy nghề về quản lý chuỗi cung ứng và logistics.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những kinh nghiệm hay, ứng dụng công nghệ trong logistics giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển thị trường. Qua đó, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ góp phần từng bước đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Bên cạnh đó, chỉ ra những thách thức như thiếu vốn, nhân lực và đề xuất giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam. Vai trò quyết định của doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong logistics cho thương mại điện tử với cách nhìn toàn diện về chiến lược chuyển đổi số.