Những tiết học lịch sử sinh động
Những ngày này, tại Trường tiểu học Phạm Công Bình (Yên Lạc), các giáo viên đã tăng cường sử dụng thiết bị để trình chiếu những thước phim tư liệu lịch sử cách mạng. Đó là hình ảnh chiếc xe tăng của quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc.
Các em học sinh ngồi xem say sưa, những đôi ánh mắt ánh lên niềm tự hào, hòa lẫn âm thanh sống động từ tuyến phim tư liệu. Bài giảng lịch sử sinh động, dễ hiểu giúp các em như được sống lại trong không khí cách mạng hào hùng, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước.
Những năm gần đây, Trường tiểu học Phạm Công Bình đã tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến môn lịch sử. Thay bằng những bài giảng khô khan trong sách giáo khoa, các em học sinh đã được tiếp cận các hình ảnh, video sống động về đề tài chiến tranh cách mạng. Qua đó, giúp truyền cảm ứng, sự yêu thích bộ môn lịch sử đến học sinh và các tiết học cũng hấp dẫn hơn.
Hình ảnh, âm thanh của những thước phim lịch sử thực sự lôi cuốn, khiến cả lớp học tập trung theo dõi. Đó là hình ảnh Bác Hồ giản dị, gần gũi với đồng bào; hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975… lần lượt hiện ra trên màn hình giúp các em học sinh hiểu hơn về những con người vĩ đại, có công lao to lớn trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc.
Cô giáo Trần Thị Dung, giáo viên lớp 3A2, Trường tiểu học Phạm Công Bình cho biết: “Tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình giảng dạy rất thiết thực. Tôi đã sử dụng công nghệ AI để ứng dụng vào các tiết học lịch sử, nhất là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam này. Nhiều hình ảnh, thước phim tư liệu được tôi sưu tầm, trình chiếu giúp các em hiểu hơn ý nghĩa ngày Ngày Giải phóng miền Nam và truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Nâng cao chất lượng bài giảng
So sánh trước khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy, các giáo viên ở Trường tiểu học Phạm Công Bình cho biết thêm: “Môn lịch sử vốn có quá nhiều thông tin, mốc sự kiện nên việc học và ghi nhớ đối với học sinh rất khó khăn. Mặc dù các giáo viên đã cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng nội dung các bài giảng chưa có sự hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi ứng dụng CNTT, tăng cường sử dụng các thiết bị máy chiếu giúp học sinh dễ ghi nhớ được các mốc sự kiện lịch sử, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy".
Em Phạm Hồng Thanh, học sinh lớp 5A2 Trường tiểu học Phạm Công Bình cho biết: “ Em rất yêu thích môn lịch sử, đặc biệt là các tiết học có trình chiếu các bộ phim tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông qua các bài giảng trực quan sinh động giúp em hiểu rõ hơn sự đấu tranh, hi sinh dũng cảm của các thế hệ cha ông để giành độc lập tự do cho dân tộc. Em rất biết ơn những công lao, sự hi sinh xương máu của các Anh hùng liệt sĩ và hứa sẽ chăm ngoan, học tập tốt để tiếp tục có những đóng góp cho xã hội trong tương lai”.
Theo thầy Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Công Bình, ngay từ đầu tháng 4, Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa ra các định hướng, yêu cầu đối với giáo viên, trong đó có việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Chỉ đạo giáo viên bộ môn tăng cường sưu tầm các hình ảnh, video liên quan đến ngày 30/4 để truyền đạt cho học sinh trong các tiết học lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các em. Thế mạnh của nhà trường là có đội ngũ giáo viên trẻ nên việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy cơ bản thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã tăng cường ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Trên cơ sở các nền tảng số, cán bộ, giáo viên cải tiến phương pháp giảng dạy, tạo sự trải nghiệm mới mẻ cho học sinh, tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành.
Nhiều giáo viên đã có những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực để ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Cụ thể như ứng dụng công nghệ AI, phần mềm trực tuyến... nhằm phát triển năng lực, tăng sự hứng thú học tập, xây dựng kho học liệu để nâng cao chất lượng môn học.
Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT vào các tiết lịch sử là phương pháp đổi mới giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho học sinh, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử.
Qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong thời đại hội nhập phát triển, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy, học tập và đánh giá. Đồng thời, thực hiện các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng CNTT cho các nhà trường.
Bài, ảnh: Hà Trần
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126392/Ung-dung-cong-nghe-trong-giao-duc-truyen-thong-cach-mang
Bình luận (0)