Ứng dụng công nghệ 360 AR/VR và không gian Metaverse (không gian kĩ thuật số) tạo giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch số do nhóm giảng viên, sinh viên trường Đại học Thủy lợi thực hiện đã đạt giải 3 cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI” do Bộ GD-ĐT tổ chức.
“Nền tảng du lịch số – Digitravel” không chỉ kết nối các công ty lữ hành, phòng vé, nhà hàng khách sạn, các địa điểm văn hoá, di tích lịch sử… mà còn liên kết nhiều đối tượng khách du lịch trong, ngoài nước có thể trải nghiệm địa điểm du lịch.
Đề tài ra đời xuất phát từ việc các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, hay các cụ già ở viện dưỡng lão còn thiếu thốn, không đủ điều kiện đi du lịch. Đồng thời, các thành viên cũng mong muốn ứng dụng của mình sẽ phục vụ đa dạng đối tượng, nhằm đưa ra một “phương tiện”, một mạng lưới du lịch số hoàn hảo dành cho cộng đồng.
TS. Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch câu lạc bộ Khởi nghiệp TSC, Giảng viên Bộ môn Kinh tế và Kinh doanh số (Trường Đại học Thủy lợi), là giảng viên hướng dẫn nhóm cho biết, nhóm đề tài “Nền tảng du lịch số – Digitravel” có 5 sinh viên và 1 giảng viên tham gia. Đề tài đang thực hiện theo mục tiêu ngắn hạn 9 tháng đầu tiên đạt hơn 300 nghìn lượt người sử dụng; hoàn thiện app, web. Mục tiêu trung hạn trong 3 năm tiếp theo đạt trên 15 triệu người sử dụng và tiếp tục bổ sung thêm các tính năng, công nghệ mới cho nền tảng đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng. Họ là những du khách mong muốn được tìm hiểu, lựa chọn điểm đến trước khi trải nghiệm thực tế. Những người ưa thích tìm hiểu, khám phá và mở rộng thế giới quan nhưng chưa có cơ hội đến trực tiếp.
“Hội An là nơi thí điểm đầu tiên ứng dụng lựa chọn để phát triển trong hành trình số hóa du lịch của nền tảng. Hiện tại, đề tài đã xây dựng website digitravel.vn và App DigiTravel HoiAn trên ứng dụng hệ điều hành Android. Nhóm đã kết nối dịch vụ nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, phòng vé, cơ sở sản xuất đồ truyền thống,… với sở văn hóa, du lịch tại các địa phương. Nhóm cũng đang tập trung hợp tác, phát triển cùng các đơn vị triển khai số hóa để kết nối tới các di sản nổi tiếng của Việt Nam”- TS. Nguyễn Thị Oanh cho biết.
Theo TS. Nguyễn Thị Oanh, đề tài có nhiều thuận lợi bởi sử dụng các công nghệ mới, phù hợp với xu thế, nhu cầu của khách hàng và thị trường. Việc kết hợp hài hòa giữa lợi thế của công nghệ và các giá trị truyền thống cũng là điểm mạnh của đề tài.
Dự kiến đề tài có thể bao phủ thị trường tại 63 tỉnh thành trong vòng 2 năm, quảng bá hình ảnh các địa điểm du lịch, sử dụng công nghệ đánh thức di sản Việt và tạo cơ hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người bị hạn chế khả năng hoặc gặp khó khăn trong du lịch được tham gia trải nghiệm.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn là công nghệ thay đổi từng ngày, yêu cầu sự đổi mới và cập nhật nhanh chóng cho sản phẩm. Cùng với đó là rào cản gia nhập ngành như vốn đầu tư, thủ tục liên quan đến luật kinh doanh; đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn trong và ngoài nước”, TS. Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
“Nền tảng du lịch số – Digitravel” không chỉ dừng lại ở các cuộc thi mà đã và đang triển khai thực tế. Các thành viên của đề tài mong muốn nhận được hỗ trợ từ nhà nước, kết nối với các cá nhân, tổ chức, các công ty du lịch, lữ hành, phòng vé, địa điểm văn hoá, du lịch… trong và ngoài nước để tạo nên một hệ sinh thái du lịch số”- một thành viên của nhóm thông tin.
Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn được trích một phần lợi nhuận của dự án cho các hoạt động xã hội hoá. Chung tay giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công, bất bình đẳng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ung-dung-cong-nghe-thuc-te-ao-trong-phat-trien-du-lich-20240805144244651.htm