(BGĐT) – Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Triển khai đồng bộ toàn viện
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng I với 50 khoa, phòng và trung tâm, gần 1 nghìn cán bộ, nhân viên. Hằng năm, đơn vị thực hiện gần 300 nghìn lượt khám bệnh; điều trị nội trú 45 nghìn lượt bệnh nhân và 10 nghìn người bệnh điều trị ngoại trú; phẫu thuật hơn 10 nghìn ca.
Bên cạnh nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, Bệnh viện còn được Sở Y tế giao nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên ngành y trong toàn tỉnh.
Khoa Hóa sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm. |
Theo bác sĩ Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện, việc xây dựng bệnh viện thông minh là một phần trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Những năm gần đây, Bệnh viện triển khai hiệu quả mô hình KCB từ xa, kết nối với các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhờ vậy mà nhiều ca bệnh khó đã được các bác sĩ đầu ngành tham gia hội chẩn từ xa, người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại Bắc Giang mà không phải chuyển tuyến.
Cùng đó, Bệnh viện tích cực hỗ trợ chuyên môn các cơ sở y tế trong tỉnh kịp thời xử trí ca bệnh phức tạp. Hiện tại đơn vị đang sử dụng hiệu quả các nền tảng số y tế, như: Quản lý bệnh viện; hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý đơn thuốc điện tử; quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; quản lý tiêm chủng, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, phần mềm chia sẻ hình ảnh (PACS)…
Mới đây, Bệnh viện đã xây dựng Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tiến tới ứng dụng công nghệ số toàn diện trong công tác chăm sóc sức khỏe. Trong năm 2023, đơn vị tập trung triển khai bệnh án điện tử. Bệnh viện đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện có.
Thời điểm này, đơn vị chuẩn bị thủ tục đấu thầu mua 500 chứng thư số, 100 wifi, 10 xe điều dưỡng thông minh, máy đọc mã vạch, nâng cấp phòng máy chủ, hệ thống xếp hàng tự động; tập trung số hóa hồ sơ bệnh án; thuê phần mềm quản lý, đào tạo, tập huấn cho cán bộ. Ước tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị thực hiện bệnh án điện tử khoảng 22 tỷ đồng.
Nhanh hơn, chính xác hơn
Hiện nay, tại các bộ phận thu phí dịch vụ KCB và dịch vụ khác có đầy đủ phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt với các phương thức: Mã vuông QR, qua website, qua mobile money và thẻ (POS); tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế.
Hiện nay, quy trình KCB được rút ngắn từ 35-40 phút so với trước. Mỗi năm, Bệnh viện tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng do giảm sử dụng giấy tờ, phim chụp X-quang, hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường. |
Thực hiện nhiệm vụ CĐS, từ đầu năm đến nay, các khoa, phòng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành rà soát, số hóa xong hàng nghìn biểu mẫu báo cáo, tài liệu, bệnh án nhằm giảm tình trạng hệ thống lưu trữ hồ sơ đang quá tải; giảm việc ghi chép, in mẫu phiếu chỉ định, tiết kiệm chi văn phòng phẩm. Bệnh viện cũng triển khai chữ ký số đến cán bộ lãnh đạo để ký bệnh án điện tử.
Ghi nhận tại các khoa, phòng chuyên môn cho thấy, việc thanh toán chi phí KCB bằng BHYT thực hiện theo bệnh án điện tử nên tiết kiệm đáng kể công sức, thời gian di chuyển làm thủ tục cho cán bộ, nhân viên và người bệnh. Giải pháp này còn giúp lãnh đạo đơn vị tăng cường kiểm soát, quản lý điều hành công việc thông qua hệ điều hành trên toàn hệ thống, kịp thời chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị tốt hơn, nhanh chóng hơn trước.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Hồng, Trưởng Khoa Khám bệnh cho hay, nếu như trước đây, bệnh nhân phải chờ kết quả tại các khoa sau khi chụp phim, làm xét nghiệm thì nay nhờ ứng dụng phần mềm chia sẻ hình ảnh PACS, cán bộ chuyên môn sẽ đẩy kết quả lên hệ thống phần mềm máy tính và lưu trữ. Nhờ vậy, bác sĩ không phải xem trực tiếp trên giấy báo, không cần đến tận nơi nhưng vẫn có thể nhanh chóng biết kết quả, đưa ra chỉ định điều trị, không để người bệnh mất thời gian chờ đợi, đi lại.
Ngoài ra, bác sĩ chỉ cần một lần chỉ định thực hiện nhiều xét nghiệm thay cho nhiều giấy tờ liên quan. So với trước, quy trình mới rút ngắn thời gian thực hiện từ 35-40 phút, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí in phim, văn phòng phẩm, hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Để triển khai thành công bệnh án điện tử, hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, Bệnh viện xác định bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất thì nhân lực tham gia CĐS có vai trò quyết định. Vì vậy, thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dành kinh phí đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin, ứng dụng số để cải thiện các dịch vụ giúp bệnh nhân được chăm sóc nhanh hơn và thuận tiện. Rà soát, tối ưu hóa quy trình làm việc, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Bảo đảm 100% cán bộ, nhân viên đều được đào tạo, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CĐS tại đơn vị.
Bài, ảnh: Mai Toan
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang kịp thời cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do đa chấn thương
Vào lúc 9 giờ ngày 29/3/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long bệnh nhân V.V.T, 30 tuổi, quê ở tỉnh Tuyên Quang vào cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông.
Bắc Giang, Ứng dụng công nghệ, bệnh viện thông minh, hỗ trợ tư vấn khám, triển khai bệnh án điện tử, chữa bệnh từ xa, chuyển đổi số, ứng dụng số, bác sĩ, điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ người dân